(VOV5) -Thực tình tôi chưa nản chính là nhờ nghị lực phi thường vượt lên số phận của nhiều trường hợp da cam Việt Nam.
Bà Trần Tố Nga - việt kiều Pháp sinh năm 1942 tại tỉnh Sóc Trăng, nguyên là Phóng viên thông tấn xã Giải phóng, tham gia chiến trường miền Nam từng bị địch bắt tù đày và bị nhiễm chất độc dioxin. Nhiều năm qua, quyết tâm đòi công lý cho hơn 4 triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, bà đứng đơn khởi kiện 26 công ty hóa chất của Mỹ đã sản xuất vô trách nhiệm số lượng lớn chất độc da cam có hàm lượng dioxin cao mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong chiến tranh…Nhân dịp bà về thăm Việt Nam, PV Đài TNVN có cuộc trò chuyện về trăn trở với nỗi đau da cam và hành trình đòi lẽ phải cho nạn nhân nhiễm dioxin.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bà Trần Tố Nga, Việt Kiều Pháp sinh năm 1942 tại Sóc Trăng |
PV: Chào bà Trần Tố Nga, vụ kiện “da cam” chống lại 26 công ty hóa chất của Mỹ đã kéo dài nhiều năm với nhiều khó khăn, phức tạp. Xin bà cho thính giả Đài TNVN biết thêm về những diễn biến mới của vụ việc này.?
Bà Trần Tố Nga: Kể từ ngày chúng tôi soạn ra đơn kiện đến nay được 4 năm rồi. Ngày 8/3 vừa rồi là phiên tòa thứ 11, tưởng rằng sau đó bắt đầu đến phần tranh tụng. Như các bạn biết, vụ kiện nào cũng phải qua tranh tụng để ra được phán quyết, nhưng qua 10 phiên tòa, phe đối lập luôn tạo ra những sự kiện bất lợi để trì hoãn, gây khó dễ. Theo quy định, họ phải nộp những phản biện của đơn kiện cho chúng tôi vào năm ngoái 2017, nhưng họ cố tình không nộp cho đến tháng 3 vừa rồi là hạn cuối cùng. Trong suốt bốn năm như thế từ lúc chuẩn bị, khởi kiện, kiện và tới bây giờ vẫn chưa đến được giai đoạn tranh tụng. Thành ra chúng tôi phải còn kiên trì để đi tiếp và qua mỗi phiên tòa rồi lại chờ mấy tháng sau mới đến phiên khác.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ( phải) và bà Trần Tố Nga. Ảnh Fb nhân vật |
PV: Được biết, đã từng có những vụ kiện tương tự, không phải ở Pháp, nhưng bị vô hiệu hóa, vậy động lực nào mà bà cùng các bạn luật sư Pháp vẫn quyết định khởi kiện và quyết tâm đi tới cùng.?
Bà Trần Tố Nga: Khó khăn thì chúng tôi cũng biết, lâu dài thì chúng tôi cũng rõ và chúng tôi biết đang phải đối mặt với 26 công ty, tập đoàn sừng sỏ của Mỹ. Làm cho họ thừa nhận sai lầm càng không phải điều dễ dàng gì. Các nạn nhân da cam Việt Nam 3 lần khởi kiện thì đều bị tòa án Mỹ bác bỏ. Theo luật quốc tế, nạn nhân da cam Việt Nam không kiện được nữa và nạn nhân da cam của các nước khác cũng vậy. Riêng nước Pháp có luật cho phép các luật sư bảo vệ công dân Pháp chống lại một nước thứ hai hoặc thứ ba làm hại cho công dân nước mình. Và, đương nhiên kiện về da cam thì phải là nạn nhân da cam. Tôi may mắn hội đủ ba điều kiện đó. Vì thế, nếu tôi không làm thì có lẽ không ai đủ được các điều kiện để kiện và điều đó có nghĩa là nạn nhân da cam nói chung và 4 triệu nạn nhân Việt Nam nói riêng không còn hi vọng đòi được công lý.
Bà Trần Tố Nga (hàng đầu thứ hai trái) thăm các cựu binh da cam ở Hải Phòng |
Một lý do nữa là ông Willilam Bourdon - luật sư quốc tế và một nhà văn là André Bouny từng gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hứa rằng nếu gặp được một nạn nhân da cam người Việt quốc tịch Pháp nào sẽ giúp khởi kiện. Đến khi tìm được và tôi đồng ý. Bên cạnh “ba ngự lâm pháo thủ” là chúng tôi vẫn luôn nói đùa vậy, còn có hai luật sư trẻ là Bertrand Repolt và bà Amelie Lefebvre. Nhiều năm nay, các luật sư làm việc không vì một đồng lương nào và họ cũng biết rằng còn phải tiếp tục dấn thân vào vụ việc phức tạp này. Tấm lòng của họ thật cao cả, đáng trân quý và tôi biết ơn họ rất nhiều.
PV: Có thể thấy, Bà và những người bạn Pháp không đơn độc bởi vì sát cánh cùng “những ngự lâm pháo thủ” luôn là sự ủng hộ của người dân Việt Nam cũng như của rất nhiều bạn bè quốc tế?.
Bà Trần Tố Nga: Đến nay đã có 7 nước lên tiếng ủng hộ vụ kiện này. Khi bắt đầu, tôi không hình dung được những khó khăn về tiền bạc. Dù rằng luật sư không lấy tiền nhưng chi phí dịch thuật hồ sơ, phiên dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Anh là rất cao. Việc dịch thuật thực hiện bởi những thông dịch viên quốc tế chuyên môn về luật quốc tế và có tuyên thệ. chi phí đến nay vào khoảng 60 nghìn euro. Vậy tìm đâu ra số tiền lớn như vậy?.
Bà Tố Nga: Ảnh ZEN LEFORT Society |
Các bạn Pháp trước đó không biết vụ kiện là thế nào và Trần Tố Nga là ai nhưng vì lẽ phải, vì lý do chính đáng mà họ gửi tiền ủng hộ. Rồi bà con Việt kiều, các em sinh viên cũng kêu gọi quyên góp trên mạng.Tại Việt nam, Hội nạn nhân nhiễm dioxin Việt Nam ( VAVA) như VAVA Sóc Trăng quyên được hơn 100 triệu, rồi Cần Thơcũng giúp nhiều và các tỉnh như Hòa Bình, Hà Nội, Bến Tre nữa. Ngoài ra, số tiền có được nhờ việc bán sách của tôi bên Pháp. Nhiều nhà hảo tâm trong nước đã ủng hộ xuất bản đến lần thứ tư cuốn Đường trần- Ngọn lửa không bao giờ tắt. Như vậy, chúng tôi không đơn độc vì đang nhận được ủng hộ to lớn của người dân Việt Nam, của VAVA và của bạn bè quốc tế. Đó là những người đang đồng hành cùng chúng tôi trong cuộc chiến pháp lý vô cùng phức tạp này.
Bà Tố Nga và ông Phạm Trương, trưởng ban đối ngoại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam ( VAVA) |
Tôi vốn bị hết bệnh này đến bệnh khác một phần do bị ảnh hưởng bởi nhiễm chất da cam, dù nhiều lúc vô cùng căng thẳng nhưng lương tâm tôi không cho phép mình dừng lại…Thực tình tôi chưa nản chính là nhờ nghị lực phi thường vượt lên số phận của nhiều trường hợp da cam Việt Nam. Đó là hình ảnh con người Việt Nam can trường mà tôi muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế, để họ khâm phục rồi tôn trọng mà giúp đỡ chứ không phải vì lòng thương hại. Những tấm gương dũng cảm đó đang tiếp thêm niềm tin rằng vụ kiện sẽ thắng.
PV: Với những gì bà đang làm cho nạn nhân nhiễm dioxin Việt Nam, đặc biệt qua cuốn “Đường Trần, ngọn lửa không bao giờ tắt” kể về năm tháng cách mạng và tnhững răn trở với nỗi đau da cam, bà muốn gửi gắm điều gì đến độc giả, nhất là giới trẻ.?
Cuốn Đường Trần- Ngọn lửa không bao giờ tắt nói về cuộc đời cách mạng của bà Tố Nga và những trăn trở với nỗi đau da cam |
Bà Trần Tố Nga: Viết cuốn sách này, trước tiên tôi muốn lưu lại một giai đoạn lịch sử mà thế hệ chúng tôi đã sống và cống hiến cho đất nước. Cuốn sách thay lời cảm ơn tới đất nước Việt Nam, tới gia đình và những bạn bè chiến đấu cùng tôi. Họ đã hi sinh tuổi thanh xuân trên chiến trường và cả tính mạng cho cuộc sống hòa bình. Tôi muốn các bạn trẻ đọc cuốn sách này với mong muốn để họ thấy rằng thế hệ ông cha các bạn đã sống như thế nào thì ngày hôm nay các bạn nên sống sao có lý tưởng, có ý nghĩa hơn. Cuộc sống hiện nay vốn rất gian nan, thử thách, đầy cám dỗ nên qua cuốn sách này tôi muốn góp thêm ngọn lửa của nghị lực để các bạn sống vui và có ích hơn cho xã hội.
PV: Xin cảm ơn và luôn chúc bà sức khỏe.