(VOV5) - Ngày 25/06, ngày làm việc đầu tiên của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại thủ đô Washington DC (Mỹ), tờ The Washington Times đăng bài phân tích cho rằng Mỹ nên công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.
Theo bài viết, Việt Nam và Mỹ giờ đây trở thành đối tác toàn diện. Quan hệ hai nước đã có bước phát triển vượt bậc kể từ khi hai bên tạm gác lại quá khứ đau thương, hướng tới một tương lai mới với tầm nhìn rộng lớn hơn.
Ảnh chụp bài báo- Ảnh VGP |
Theo bài phân tích, Hiệp định thương mại song phương (BTA) Việt – Mỹ được ký kết vào năm 2001 cũng đã đưa ra tín hiệu tích cực tới các nhà đầu tư, đặc biệt là các sản xuất nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Mỹ vẫn chưa công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia chính sách vẫn lạc quan về những bước tiến tích cực của Việt Nam trong việc đạt các tiêu chuẩn của một nền kinh tế thị trường.
Bài phân tích dẫn lời Giáo sư Carlyle Thayer, trường Đại học New South Wales, Canberra, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng nếu Việt Nam được công nhận nền kinh tế thị trường, "Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế quan của Mỹ thấp hơn hiện nay". Cũng theo The Washington Times, Kinh tế Việt Nam được đánh giá là ngôi sao đang lên ở Đông Nam Á.
Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới từ năm 1986, đem đến sự thịnh vượng cho người dân đồng thời giúp làm gia tăng tầm lớp trung lưu. Với băng thông rộng cho phép mọi người tiếp cận với các nguồn thông tin khác nhau cùng sự kết nối quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam hội nhập hệ thống kinh tế quốc tế, tham gia vào các hoạt động thương mại quốc tế đồng thời tạo điều kiện để Việt Nam phát huy vai trò lãnh đạo ASEAN.
Để tăng cường hơn nữa quan hệ Việt – Mỹ, bài báo cho rằng Mỹ nên công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam; đảm bảo an ninh an toàn hàng hải với các cuộc diễn tập hải quân chung; Thường xuyên triển khai các hoạt động tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông.