(VOV5) - Phong trào 'Mỗi làng, một sản phẩm' (OVOP) xuất hiện ở tỉnh Oi-ta, Nhật Bản, cách đây 35 năm, theo đó cộng đồng lựa chọn sản xuất các loại hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Một làng sản xuất một sản phẩm cạnh tranh như một doanh nghiệp để đạt được doanh thu nhằm cải thiện mức sống cho các cư dân của làng đó. Tuy mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng nhiều địa phương trong cả nước đón nhận, áp dụng vào thực tiễn và đạt được những kết quả đang khích lệ trong việc bảo tồn, phát triển các làng nghề đồng thời xây dựng nông thôn mới một cách bền vững.
Sản xuất gốm ở Bát Tràng
Là làng nghề truyền thống gần 1000 năm tuổi, Bát Tràng nổi tiếng với những người thợ có bàn tay tài hoa, khéo léo, làm ra nhiều mẫu sản phẩm gốm sứ tinh xảo phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Làng nghề phát triển đã và đang mang lại cuộc sống khấm khá cho nhiều gia đình, mang lại diện mạo mới cho ngôi làng bên sông Hồng. Bát Tràng là một trong những xã đầu tiên của Hà Nội hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Điều đặc biệt trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới gồm 19 tiêu chí, nhưng Bát Tràng chỉ phải thực hiện 18 tiêu chí bởi Bát Tràng chỉ làm nghề sản xuất gốm, không sản xuất nông nghiệp nên không phải thực hiện các tiêu chí về giao thông, thủy lợi nội đồng. Bà Hà Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bát Tràng, cho biết: Chính vì 100% số hộ sống bằng nghề làm gốm và buôn bán gốm nên người dân chỉ tập trung vào nghề này, vì vậy đời sống kinh tế người dân ngày càng được nâng cao. Đây cũng là nền tảng để các doanh nghiệp, các hộ dân học tập và mạnh dạn tiếp cận phong trào “Mỗi làng, một sản phẩm”. Bà Vinh cho biết: Cái lợi thứ nhất khi áp dụng mô hình OVOP là lợi cho các hộ sản xuất, cho người dân trong làng nghề; cái lợi thứ 2 là cho chương trình xây dựng nông thôn mới vì nó tạo ra giá trị cốt lõi cho chương trình này. Bát Tràng cũng đã có một thương hiệu rất tốt, không chỉ trong nước mà cả thế giới biết đến. Đặc thù làng này không có ruộng, nên người dân chỉ làm nghề gốm để phát triển đời sống và cuộc sống luôn ấm no, phát triển.
|
Trong căn nhà cổ đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ do cha ông để lại, Nghệ nhân Trần Đức Tân trưng bày rất nhiều sản phẩm gốm độc bản, trang trí bằng thư pháp, khắc họa chân dung, phong cảnh đất nước… Mô hình OVOP chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa và quảng bá sản phẩm vì vậy những sản phẩm này là bước đi mới của ông cũng như của các nghệ nhân trong làng gốm Bát Tràng đa dạng hóa mẫu mã cũng như tiếp cận với thị trường xuất khẩu, người tiêu dùng trong và nước ngoài. Đặc biệt bà con kiều bào về nước và đến thăm Bát Tràng rất thích những sản phẩm gốm trang trí bởi các sản phẩm này giúp họ thêm yêu quê hương đất nước và cũng là một món quà để tặng bạn bè nước ngoài để giới thiệu thêm về văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Ông Tân nói: Đây cũng là bước phát triển mới trong nghề gốm. Những người làm gốm, các nghệ nhân giờ đã có những bước đi tìm tòi, thay đổi. Đầu tiên là phải bảo tồn được giá trị văn hóa, duy trì và phát triển nó theo đùng những gì mà làng nghề đã có và phù hợp với thời cuộc mà đất nước đổi mới. Theo tôi nghĩ những năm qua làng nghề đang phát triển rất tốt. Chúng tôi đã thành lập Hội nghệ nhân Bát Tràng với hơn 100 nghệ nhân, để thúc đẩy các sản phẩm mới đưa ra thì trường để có một sự phát triển chung với làng nghề.
|
Gốm Bát Tràng
Một trong những mục tiêu mà mô hình OVOP hướng đến đó là phát triển du lịch làng nghề. Ngoài lợi thế là một ngôi làng cổ của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Bát Tràng còn nằm trong danh sách được UBND thành phố Hà Nội đầu tư phát triển làng nghề, bảo tồn làng gốm cổ và tạo nên một mảnh đất màu mỡ để phát triển du lịch. Tuy nhiên với truyền thống chỉ làm nghề, người dân Bát Tràng chưa quen việc phát triển dịch vụ thương mại phục vụ du lịch nên chưa đáp ứng được nhiều nhu cầu cho du khách. Bà Hà Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bát Tràng, cho rằng: Tôi thấy rằng với Bát Tràng, việc phát triển nghề là một trong những điều cốt lõi trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Nếu nghề phát triển tốt, phát triển thị trường tốt thì đời sống người dân sẽ ổn định và chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ phát triển bền vững. Tiềm năng của Bát Tràng về du lịch rất lớn vì Bát tràng nằm ngày trong trung tâm Hà Nội. Làng nghề Bát Tràng là một trong những làng nghề có truyền thống lâu đời. Đưa du lịch vào Bát Tràng thì chúng tôi chú trọng vào du lịch văn hóa nghề để du khách đến xem, tham quan và trải nghiệm.
|
Học tập mô hình OVOP, Bát Tràng bước đầu làm du lịch một cách bài bản, có lộ trình và sự đầu tư. Đặc biệt, Bát Tràng cần có hướng đi riêng trong phát triển du lịch, đồng thời đưa các giá trị văn hóa, tinh hóa của làng nghề truyền thống vào du lịch. Nghệ nhân Trần Đức Tân cho rằng: Bát Tràng trong những năm gần đây phát triển rất mạnh về du lịch… Đó là những bước phát triển tốt để xây dựng nông thôn mới với mỗi năm đón hàng triệu lượt khách. Chúng tôi đang nỗ lực để tạo mô hình tốt, đủ các tiêu chí để làm du lịch. Ngoài ra, quan trọng là người dân phải có nhận thức về du lịch cộng động. Mỗi cơ sở, mỗi xưởng sản xuất phải tạo cho mình một môi trường tốt, có thể đón khách du lịch nước ngoài cũng như trong nước.
Phát triển hoàn thiện mô hình OVOP, chính quyền xã Bát Tràng và người dân đang nỗ lực học tập cách làm, hướng đi của các làng nghề của hơn 40 quốc gia đã áp dụng thành công mô hình này. Để Bát Tràng phát triển hơn nữa cũng như lồng nghép mô hình OVOP vào việc xây dựng bền vững nông thôn mới, ngoài sự nỗ lực của người dân, trong quá trình thực hiện cần có sự đầu tư của nhà nước để nâng cấp đường xá, dịch vụ ăn nghỉ, mở các lớp đào tạo kỹ năng làm du lịch./.