(VOV5)- Theo Thủ tướng, cần phải tính toán các giải pháp tăng tổng cầu gắn với tăng dư nợ tín dụng, giải quyết nợ xấu, khơi thông dòng vốn.
Ngày 30/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7/2014, thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 7 tháng và bàn các giải pháp những tháng tiếp theo nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ
Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2014, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận vào những vấn đề lớn liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, tăng trưởng GDP, kinh tế vĩ mô; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… trên tinh thần không điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra cho năm 2014. Theo Thủ tướng, cần phải tính toán các giải pháp tăng tổng cầu gắn với tăng dư nợ tín dụng, giải quyết nợ xấu, khơi thông dòng vốn để ổn định vững chắc hơn kinh tế vĩ mô. Thủ tướng cũng lưu ý đến nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu ngân hàng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Tái cơ cấu đầu tư công chúng ta đi được một bước quan trọng, một bước dài, cố gắng kiểm soát làm sao tái đầu tư công cho có hiệu quả. Vừa rồi, chúng ta đưa ra một giải pháp then chốt là đầu tư trung hạn, lên danh sách, lên hạng mục, quy trách nhiệm rõ ràng. Còn về doanh nghiệp Nhà nước, giải pháp quan trọng có tính chất quyết định then chốt mà Nghị quyết Trung ương cũng nói là cổ phần hóa doanh nghiệp. Thứ 3 là tái cơ cấu ngân hàng, tái cơ cấu ngân hàng phải kiên quyết làm tiếp để hệ thống ngân hàng mạnh hơn, hệ thống huyết mạch nền kinh tế có mạnh thì nền kinh tế mới mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý các Bộ, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt các phương án đảm bảo an toàn cho hơn 1.500 người Việt Nam đang lao động tại Lybia.
Theo chương trình, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra trong 2 ngày 30-31/7./.