Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh vai trò của APEC trong giải quyết các thách thức của kinh tế thế giới

(VOV5) - Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị thúc đẩy hợp tác quốc tế về an ninh kinh tế, đặc biệt là nâng cao sức chống chịu của các nền kinh tế.

Chiều qua (15/11, theo giờ địa phương, tức rạng sáng nay, 16/11, theo giờ Việt Nam) tại thành phố San Francisco, Mỹ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), với chủ đề: Phát triển bền vững và bao trùm.

Phát biểu đề dẫn tại Hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị thúc đẩy hợp tác quốc tế về an ninh kinh tế, đặc biệt là nâng cao sức chống chịu của các nền kinh tế thành viên và các doanh nghiệp trong khu vực trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai; kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Nhà nước trong thực hiện cam kết về phát triển bền vững, theo đuổi các mục tiêu dài hạn về kinh tế, môi trường và xã hội; tăng cường đầu tư vào khoa học – công nghệ, đầu tư vào con người, đầu tư xây dựng các cộng đồng bao trùm, tự cường.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh vai trò của APEC trong giải quyết các thách thức của kinh tế thế giới - ảnh 1Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự và phát biểu tại Bàn tròn về hợp tác kết nối giữa địa phương và doanh nghiệp. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Chủ tịch nước cho rằng: "Khôi phục và củng cố niềm tin vào tự do thương mại và đầu tư. Lịch sử thương mại quốc tế có lúc thăng lúc trầm, nhưng thương mại đã có đóng góp rất lớn cho sự phát triển và thịnh vượng của các quốc gia. Vậy mà, từ năm 2019 đến nay, hơn 3.000 rào cản thương mại được lập ra, đang làm cho nền kinh tế thế giới thiếu vững chắc và đe doạ sụt giảm sản lượng kinh tế toàn cầu. Hơn bao giờ hết, APEC cần tái khẳng định cam kết duy trì mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết kinh tế quốc tế, ủng hộ một nền kinh tế thế giới mở, bao trùm và bền vững. Bảo đảm lợi ích từ thương mại được phân phối rộng khắp và bình đẳng trong xã hội. Tự do thương mại và đầu tư sẽ giúp các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương nâng cao sức cạnh tranh, tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư".

Đối với Việt Nam, Chủ tịch nước cho biết Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm tất cả người dân được phát huy tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển. Chủ tịch nước mong muốn các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực, như: khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; Sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới; Phát triển trung tâm tài chính, tài chính xanh…

Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư, nhìn nhận sự thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của chính mình, và thất bại của doanh nghiệp cũng là thất bại của Nhà nước trong điều hành chính sách.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác