(VOV5) - Nợ công của Việt Nam bền vững hơn, tạo dư địa tăng vay nợ công để tăng nguồn vốn đầu tư phát triển đất nước trong thời gian tới.
Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Tài chính là chỉ vay để tập trung vào những dự án lớn, tạo động lực cho nền kinh tế.
Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, nợ công của Việt Nam thời gian qua đã có sự chuyển biến rất tích cực theo hướng bền vững hơn, và đó là dư địa để Việt Nam thực hiện tốt các chính sách tài khóa mở rộng nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, như chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng VAT trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024 này.
Ảnh: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: VOV |
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy, năm 2021, nợ công của Việt Nam ở mức 43,1% GDP, đến đầu năm 2024 này đã giảm xuống còn 37% GDP, đặc biệt nợ nước ngoài còn 34%. Trong khi đó, trần nợ công được Quốc hội đặt ra là 60%.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định: "Còn một khoản dư địa rất lớn để chúng ta có thể huy động nợ công phục vụ cho các công trình hạ tầng thiết yếu và các công trình hạ tầng kiến tạo cho sự phát triển trong tương lai. Nhưng những công trình đó phải phát huy hiệu quả cao nhất và đóng góp cho sự phát triển nền kinh tế một cách cao nhất. Cho nên quan điểm là chỉ vay khi trả được nợ và chỉ vay khi để thực hiện những công trình hiệu quả nhất, những dự án hiệu quả nhất, để mang lại sự đột phá phát triển cho nền kinh tế đất nước.