Đà Nẵng tăng cường truy xuất nguồn gốc thủy, hải sản

(VOV5) - Đà Nẵng đẩy mạnh công tác để chống khai thác cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Nhằm đảm bảo việc kiểm tra, kiểm soát, thanh tra truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác một cách đầy đủ, minh bạch, UBND TP Đà Nẵng vừa phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn thành phố.

Kế hoạch cũng được thông báo đến các doanh nghiệp, ngư dân về những quy định, cách tiếp cận đánh giá rủi ro, các tiêu chuẩn kiểm tra để đảm bảo thực hiện việc kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (gọi tắt là IUU) theo các hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu (EC).

Đà Nẵng tăng cường truy xuất nguồn gốc thủy, hải sản - ảnh 1

Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá trước khi xuất bến, cập bến - Ảnh: baogiaothong.vn

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Gần 3 tháng nay, ngư dân Phạm Liễu ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà quen dần với việc kê khai nguồn gốc thủy, hải sản đánh bắt được khi trở về cảng cá Thọ Quang. Ông Liễu cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc thủy, hải sản là cần thiết, bởi khi EU siết chặt doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ phải làm chặt với ngư dân. Nếu ngư dân đánh bắt không ghi chép nhật ký khai thác thì cơ quan chức năng sẽ không xác nhận, doanh nghiệp cũng không mua hải sản. Vì vậy, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa ngư dân, chính quyền và doanh nghiệp để sản phẩm khai thác khi lên bờ có giá trị kinh tế cao.

Ngư dân Phạm Liễu bày tỏ: "Ban quản lý thường xuyên trực tại bến. Mình làm nghề gì thì có phiếu bến, sau đó Ban quản lý âu thuyền Thọ Quang người ta sẽ xuống kiểm tra. Việc làm này rất tốt, kiểm tra được đúng chất lượng hải sản cho tất cả địa phương. Ví dụ khi mình bắt được con cá 50 đến 70 kg. Con cá đó bữa nay bên Nhật bán có thể là 1.000 đô la. Nhưng về đây nếu không viết nhật ký thì còn lại cỡ 3 triệu đồng, nhưng nếu có viết trong nhật ký thì con cá này phải bán được 7 đến 8 triệu đồng".

Theo nhiều chủ tàu, việc kê khai mất thêm một chút thời gian nhưng mang lại nhiều lợi ích hơn, khi nguồn gốc sản phẩm được chứng minh rõ ràng thì giá hải sản cũng tăng theo. Bởi vậy, với ngư dân Nguyễn Hậu ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng thì mỗi chuyến biển, ngoài các nhu yếu phẩm thiết yếu, ông không quên mang theo quyển sổ, bút để ghi chép nhật ký khai thác. Theo ông Hậu, khi ngư dân làm đúng theo quy định, hải sản bán ra có giá trị, thu nhập của ngư dân cũng cao hơn: "Làm kỹ chừng nào thì càng tốt cho ngư dân ở đây. Sau khi có sổ ghi chép thì thấy mọi hoạt động đánh bắt đàng hoàng hơn so với mấy năm trước".

Đà Nẵng tăng cường truy xuất nguồn gốc thủy, hải sản - ảnh 2

Ảnh minh họa

Với quyết tâm chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, UBND thành phố Đà Nẵng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và các đơn vị liên quan thành lập Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá. Đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp giữa các lực lượng, tiến hành thanh tra, kiểm soát hoạt động nghề cá đúng quy định của pháp luật. Lực lượng này trực 24/24 giờ thực hiện công tác kiểm tra tàu cá trước và sau khi xuất bến tại cảng cá Thọ Quang và xử lý các hành vi vi phạm trên các vùng biển thuộc địa bàn thành phố quản lý. Trung Tá Nguyễn Tống Khương, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng cho biết: "Ban đầu, khi áp dụng bắt buộc kê khai nguồn gốc hải sản tại cảng cũng gặp khó khăn, nhưng đến nay việc kê khai đã đi vào nề nếp. Trong điều kiện thời tiết bình thường thì mỗi ngày, thuyền trưởng phải liên lạc với Bộ đội Biên phòng ít nhất một lần và khai báo tọa độ tàu đang hoạt động, tình hình sản lượng khai thác để chúng tôi giám sát và cảnh báo sớm những vùng nguy hiểm và giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu".

6 tháng đầu năm nay, trung bình mỗi ngày, cảng cá Thọ Quang tiếp nhận từ 50 đến 55 lượt tàu cập cảng để bán hải sản và được tiến hành truy xuất nguồn gốc. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng đã chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, UBND các quận hướng dẫn cho 20 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản và gần 400 ngư dân là chủ tàu cá, thuyền trưởng tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên thực hiện thủ tục này. Cùng với việc tăng cường kiểm tra kiểm soát hoạt động nghề cá ở cảng biển, UBND các quận có quản lý nghề cá còn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Hội Nông dân thành phố và các tổ chức, hội, đoàn thể xã hội liên quan tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể ngư dân địa phương kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác