Đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp ngành giao thông vận tải

(VOV5) - Sau 3 năm triển khai đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trong tổng số 99 doanh nghiệp đã hoàn thành cổ phần hoá, thì có tới 44 doanh nghiệp trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Mục tiêu của Bộ Giao thông Vận tải đến hết năm 2015 sẽ cổ phần 40 doanh nghiệp Nhà nước còn lại.


Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Theo Đề án tái cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chỉnh phê duyệt, cả nước có khoảng 500 doanh nghiệp phải tiến hành cổ phần hoá. Tuy nhiên 3 năm qua, tiến trình cổ phần hoá diễn ra khá chậm. Bởi vậy, kết quả cổ phần hoá doanh nghiệp của ngành giao thông vận tải rất có ý nghĩa. Ba năm qua, Bộ Giao thông Vận tải đã coi cổ phần hóa là bước đột phá để các doanh nghiệp đổi mới cơ chế quản lý, huy động vốn từ các cổ đông, giảm tỷ trọng nợ vay, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Với hướng đi đó, chỉ trong năm 2013, Bộ Giao thông Vận tải đã cổ phần hoá được 11 doanh nghiệp Nhà nước, giữa tháng 2 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Phương án cổ phần hóa 9/10 Tổng công ty thuộc Bộ giao thông vận tải. Trên cơ sở kết quả bước đầu đạt được, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá các doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, tiến hành thủ tục cổ phần hoá 11 Tổng công ty, cổ phần hoá 25 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các doanh nghiệp vận tải đường sắt. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, cho biết: Trên cơ sở những kết quả của cổ phần hóa, tái cơ cấu sắp xếp doanh nghiệp của 3 năm vừa rồi, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu sắp xếp đổi mới  và cổ phần hóa doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn lại trong 2014-2015. Có thể nói, đối với các doanh nghiệp Nhà nước của Bộ Giao thông vận tải, mà Nhà nước không cần giữ cổ phần thì chắc chắn không còn doanh nghiệp Nhà nước mà chuyển sang hoạt động công ty cổ phần tất.

Đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp ngành giao thông vận tải - ảnh 1
Ảnh: dangcongsan.vn


Theo kế hoạch, trong quý 1/2014, Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành cổ phần hóa 10 tổng công ty, sau đó tiếp tục cổ phần hóa tiếp khoảng gần 40 doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp. Quy mô của Vietnam Airlines sau khi tái cơ cấu gồm công ty mẹ là Tổng công ty Hàng không Việt Nam và 15 công ty con, 12 công ty liên kết. Với việc hoàn thành quá trình cổ phần hoá, Vietnam Airlines đặt mục tiêu sẽ cải thiện đáng kể hoạt động kinh doanh của mình để đến năm 2015 trở thành hãng hàng không tiên tiến, có quy mô thứ 3 khu vực với chất lượng các dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Xác định cổ phần hoá là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế, đòi hỏi quyết tâm từ lãnh đạo Bộ đến lãnh đạo doanh nghiệp. Bộ Trưởng Đinh La Thăng, nêu rõ: Chúng tôi phân công các đồng chí Thứ trưởng trực tiếp phụ trách một số doanh nghiệp cổ phần hoá. Và nếu các doanh nghiệp không hoàn thành, thì trách nhiệm trước hết quy cho các Thứ trưởng. Còn các doanh nghiệp không hoàn thành cổ phần hoá, thì Chủ tịch và Tổng giám đốc phải điều chuyển làm việc khác  

 

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước vừa diễn ra tại Hà Nội Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải trong việc tiến hành cổ phần hoá doanh nghiệp. Đồng tình với việc đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ:  Từng Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh phải đề cao trách nhiệm, bởi đây là nhiệm vụ Đảng Nhà nước nên phải vừa có trách nhiệm, vừa phải giữ vững kỷ cương. Thể chế đã có rồi, vấn đề bây giờ là trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, từ đó tạo sự thống nhất, quyết tâm làm và đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định nhất có làm được hay không là ở giải pháp này.  

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2013-2015, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đến năm 2015 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước. Đây là cơ sở pháp lý với các cơ chế, chính sách thuận lợi hơn nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc để tiếp tục thực hiện hiệu quả không chỉ về số lượng  mà cả chất lượng tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới./.

Phản hồi

Các tin/bài khác