Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Thời gian qua, nông sản Việt Nam đã dần vào được các thị trường nước ngoài khó tính, như: Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Liên minh Châu Âu, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.
Để có được kết quả này, ngoài quy trình canh tác an toàn, sản phẩm chất lượng, còn có sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu, phục vụ cho xuất khẩu. Đây cũng đang là hướng đi được các nhà vườn ở Đồng bằng sông Cửu Long triển khai.
Thời gian qua, sầu riêng đã xuất khẩu sang các thị trường quốc tế và được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: VOV |
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nơi đóng góp lớn nhất cho kim ngạch xuất khẩu trái cây của cả nước. Nhiều loại trái cây như sầu riêng, xoài, nhãn, thanh long, vú sữa thời gian qua đã xuất khẩu sang các thị trường quốc tế và được người tiêu dùng đón nhận.
Anh Nguyễn Hoàng Anh, ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (thành phố Cần Thơ), cho biết hiện nay, gia đình anh đang trồng nhãn để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Australia và một số quốc gia khác, với diện tích gần 5 ha nhãn được canh tác theo tiêu chuẩn VietGap, áp dụng nghiêm ngặt quy trình canh tác về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Để có được đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, anh Hoàng Anh cho biết những người sản xuất như gia đình anh phải liên kết tạo ra vùng nguyên liệu ổn định. Trái nhãn được cấp mã số vùng trồng, tuân thủ các hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật, phục vụ truy xuất nguồn gốc khi cần thiết: "Để xuất khẩu thì mình phải theo đúng quy trình của xuất khẩu, phải theo tiêu chuẩn. Mỗi một thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn khác nhau. Muốn xuất khẩu đi thị trường Mỹ thì phải bảo đảm chất lượng, xuất thị trường Châu Âu thì phải làm VietGap…, làm theo quy trình của Hợp tác xã."
Huyện Cờ Đỏ có diện tích trồng nhãn hơn 330 ha, đây là loại trái cây có chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện nay, cây nhãn được cấp 36 mã số vùng trồng để xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Thái Lan, EU và Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều thị trường khó tính khác.
Nhãn để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Australia và một số quốc gia khác, được canh tác theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: VOV |
Ông Trần Phước Sơn, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái Trạng Tí Garden, cho biết để nhãn xuất khẩu vào thị trường quốc tế thì tổ hợp tác đã chủ động liên kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra và đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp: "Tổ hợp tác chúng tôi chủ yếu là nông dân trong đó có gần 50% có trình độ đại học và sau đại học cho nên tư duy, hàm lượng chất xám của tổ hợp tác cũng khá cao. Vì vậy, chúng tôi luôn quan tâm, xây dựng chất lượng cho sản phẩm nông sản. Nếu chất lượng tốt thì không lo gì sản phẩm của mình không được doanh nghiệp tìm đến do vậy phải tập trung xây dựng thương hiệu, xây dựng chất lượng. Sản phẩm muốn cạnh tranh được thì phải cải tiến kỹ thuật, phải làm theo hướng sạch, đảm bảo an toàn, đúng quy trình."
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cần Thơ, hiện địa phương có 193 mã số vùng trồng, gồm: xoài, vú sữa, nhãn, lúa và sầu riêng…, với tổng diện tích hơn 2.600 ha để xuất sang các thị trường khó tính. Hiện, địa phương đang hướng dẫn người dân xây dựng mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và tuân thủ đúng các quy định về quản lý, sử dụng mã số vùng trồng đã được cấp. Đồng thời, khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng tập trung, phát triển liên kết Hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cần Thơ, cho biết hàng năm, sản lượng cây ăn trái của thành phố hơn 200.000 tấn, ngành nông nghiệp Cần Thơ đang mở rộng quy mô vùng trồng, hình thành những vùng cây ăn trái tập trung để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, dần xây dựng thương hiệu trái cây xuất khẩu của thành phố: "Trong mấy năm gần đây, vấn đề liên kết, tiêu thụ trong ngành hàng cây ăn trái ở thành phố Cần Thơ diễn ra hết sức sôi động. Nhiều loại cây ăn trái có giá trị, đặc biệt như mấy năm vừa rồi là sầu riêng, vú sữa, nhãn… được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm khi thiết lập mã vùng trồng, các doanh nghiệp đều đứng ra để mong muốn liên kết xây dựng vùng nguyên liệu để phát triển thị trường xuất khẩu."
Theo Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp lớn vào xuất khẩu chung mặt hàng này của Việt Nam. Tuy nhiên, tiềm năng sản xuất cây ăn trái ở khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn rất lớn nếu đẩy mạnh hơn nữa liên kết giữa người nông dân với Hợp tác xã và doanh nghiệp trong xây dựng vùng nguyên liệu để xuất khẩu.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng: "Vấn đề liên kết là xu hướng được triển khai mạnh mẽ gần đây. Nhiều nông hộ tham gia Hợp tác xã, rồi Hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp, có những Hợp tác xã đã xuất khẩu trực tiếp…, là cách phát triển cây ăn trái ở phía Nam hiện nay. Việc liên kết đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm là xu hướng và qua đó, giúp phát triển nông sản ở trong nước cũng như là xuất khẩu bền vững."
Diện tích cây ăn trái ở Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 1,2 triệu ha. Năm 2023, xuất khẩu nông sản đạt hơn 5,6 tỷ USD, đã khẳng định giá trị nông sản Việt Nam tại các thị trường quốc tế. Xây dựng mã số vùng trồng, tăng cường liên kết, phát triển vùng sản xuất cây ăn trái chuyên canh tập trung gắn với nhu cầu thị trường, là hướng đi được các hộ nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung, tập trung phát triển để xuất khẩu bền vững.