(VOV5) - Các startup cần tìm thấy cơ hội từ những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam gặp phải trong quá trình chuyển đổi và đang tăng trưởng.
Trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Việt Nam 2018), ngày 30/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Diễn đàn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng.
Tham dự Diễn đàn còn có lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như Diễn đàn kinh tế thế giới WEF, Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu (GEN), Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) và lãnh đạo các Bộ Khoa học và Công nghệ các nước ASEAN và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và các đại biểu tại phiên thảo luận |
Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định mặc dù việc phát triển cộng đồng Startup, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam còn nhiều khó khăn nhưng các cơ quan của Nhà nước, đặc biệt Chính phủ bắt đầu rất quan tâm và thực sự mong muốn thúc đẩy cộng đồng này phát triển. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng không có sự phân biệt các dự án Startup ở Việt Nam hay nước ngoài; quan trọng nhất là các Startup cần tìm thấy cơ hội từ những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam gặp phải trong quá trình chuyển đổi và đang tăng trưởng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Khó khăn về phía Chính phủ còn rất nhiều. Những nhu cầu của người dân cho giáo dục, y tế, đi lại, thanh toán điện tử, nông nghiệp... chúng tôi còn vô cùng nhiều những thách thức, mà những thách thức đó có thành bài toán của các bạn startup hay không? Đó là ở các bạn.”
Ngoài các vấn đề về vốn, hạ tầng, pháp lý, giáo dục, nguồn nhân lực đã được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp Startup nêu lên, theo Phó Thủ tướng, hiện nay, việc khó nhất là tạo lập một cơ sở dữ liệu lớn và mở cho cộng đồng. Nguồn dữ liệu này được đóng góp từ Chính phủ, doanh nghiệp và đặc biệt là từ người dân, trước hết tập trung vào những lĩnh vực như giáo dục, y tế, du lịch, thanh toán điện từ, nông nghiệp... Đây là yêu cầu được nêu ra trong Đề án Hệ tri thức Việt số hóa bên cạnh việc phát triển các hệ sinh thái khởi nghiệp.