Định vị thương hiệu Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu

(VOV5) - Việc hội nhập ngày càng sâu rộng đã góp phần củng cố và gia tăng uy tín, hình ảnh, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế. Một trong những kết quả nổi bật của quá trình này là chúng ta đã bước đầu định vị được thương hiệu Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Định vị thương hiệu Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu - ảnh 1
Nhà máy sữa Angkor Milk của Vinamilk tọa lạc trong Đặc khu kinh tế Phnom Penh, với tổng diện tích gần 30.000 m2, là nhà máy sản xuất sữa 23 triệu USD đầu tiên và duy nhất tại Campuchia thời điểm này - Ảnh:vietnamnet

Câu chuyện xuất ngoại của thương hiệu Vinamilk bắt đầu tư gần 20 năm trước, khi Tổng giám đốc Công ty Vinamilk, bà Mai Kiều Liên, lặn lội thân gái dặm trường đi chào hàng trong bom đạn chiến tranh ở đất nước Iraq xa xôi. 300 tấn sản phẩm sữa bột và 2000 tấn sữa béo nguyên kem vận chuyển thành công vào Iraq năm 1998 là phát pháo mở đường cho các sản phẩm Vinamilk, hiện có mặt tại 43 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bà Mai Kiều Liên cho biết: “Lúc đầu cũng không tự tin lắm đâu. Từ trước tới giờ không ai nghĩ Việt Nam sẽ xuất khẩu được sữa bột cho trẻ em tại vì mình vẫn nhập khẩu 100% sữa. Đầu năm 1997, chúng tôi ủng hộ bạn 2 container sữa bột trẻ em vì mình cũng muốn để bạn biết là Việt Nam có sản xuất sữa bột trẻ em. Sau khi bạn kiểm tra chất lượng, bạn quyết định cho thử giao 300 tấn trong thời gian là 3 tháng. Mọi người rất là mừng, làm ngày làm đêm, làm 24/24 giờ, rồi giao 300 tấn hàng đúng hẹn, đảm bảo chất lượng. Từ đó, chúng ta chính thức được vào danh sách để tham gia thầu.”


Vinamilk không chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu, mà còn trở thành cổ đông của nhiều công ty sữa ở các châu lục. New Zealand là điểm dừng chân đầu tiên trên hành trình Vinamilk chinh phục thị trường thế giới. Để hiện diện tại quốc gia này, năm 2010, Vinamilk góp 19,3% cổ phần để xây nhà máy sữa bột Miraka chuyên sản xuất bột sữa nguyên kem tại New Zealand. Ba năm sau, nhãn hàng sữa tươi tiệt trùng Twin Cows của Vinamilk sản xuất ở New Zealand chính thức ra mắt thị trường Việt Nam. Đến năm 2015, Vinamilk đã tăng vốn đóng góp lên 22,81% cổ phần để sản xuất sản phẩm chất lượng cao xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế. Cũng trong năm 2013, Vinamilk mua 70% cổ phần Driftwood, đồng nghĩa trở thành cổ đông hiệu hữu của nhà cung cấp sữa học đường lớn nhất khu vực Nam California, Hoa Kỳ. Tham vọng thâu tóm doanh nghiệp nhanh chóng hoàn tất trong thời gian ngắn, khi Vinamilk nâng tổng số vốn đầu tư lên 10 triệu USD, đạt tỷ lệ sở hữu 100% Driftwood vào năm 2016. Chỉ trong một thời gian ngắn, công ty sữa Vinamilk của Việt Nam đã hoàn tất việc nắm giữ hoàn toàn cổ phiếu của một thương hiệu có lịch sử 90 năm ở bang California. Sau khi chinh phục thị trường Âu, Mỹ, Vinamilk khánh thành nhà máy sữa Angkor Milk tại Phnom Penh, Campuchia hồi tháng 5 vừa qua. Hiện Vinamilk đang triển khai một dự án tại Ba Lan  nhằm khai phá thị trường châu Âu, hiện thực hóa giấu mơ toàn cầu hóa thương hiệu Vinamilk.


Viettel cũng là một doanh nghiệp có tốc độ phát triển theo cấp số nhân, định vị được thương hiệu trong nền kinh tế toàn cầu. Chỉ sau 10 năm tham gia hoạt động đầu tư quốc tế,Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel có mặt ở 9 quốc gia với các thương hiệu các nhau, bao gồm:Halotel ở Tanzania, Movitel ở Mozambique, Telemor ở Đông Timor, Lumitel ở Burudi, Bitel ở Peru, Nexttel ở Cameroon, Unitel ở  Lào, Metfone ở Campuchia và Natcom ở Haiiti. Năm 2016, dự kiến doanh thu từ viễn thông nước ngoài của Viettel đem về gần 1,4 tỉ đô la Mỹ. Viettel hiện có 100 triệu khách hàng, trong đó có hơn 35 triệu khách hàng quốc tế từ 11 quốc gia, thuộc nhóm 30 tập đoàn viễn thông có số lượng khách hàng lớn nhất trên thế giới. Phát biểu trong lễ kỷ niệm 10 năm hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Viettel ngày 17/12/2016 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “ Viettel đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, không chỉ theo nghĩa có quy mô lớn, mà còn theo nghĩa là nhà đầu tư đích thực, có năng lực giải quyết các vấn đề xã hội, tạo ra sự phát triển bền vững cho ngành viễn thông của tất cả các quốc gia Viettel đầu tư. Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản quốc gia.”


Quá trình phát triển của Viettel, Vinamilk đã là minh chứng cho sự năng động và vượt khó, trỗi dậy vươn ra thế giới của doanh nghiệp Việt Nam. Câu chuyện định vị thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới của các doanh nghiệp này là những điển hình thành công nhất trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu của Việt Nam.
 

Thành quả 30 năm Việt Nam hội nhập kinh tế:

- Mở rộng quan hệ thương mại với hơn 155 nước, thu hút đầu tư trực tiếp của các tập đoàn và công ty thuộc 70 nước và vùng lãnh thổ

- Ký kết 88 Hiệp định thương mại song phương, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa tới trên 220 thị trường các nước và vùng lãnh thổ.

- Thị trường xuất khẩu mở rộng đến 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 22,58% trong giai đoạn 2011-2013.

- Việt Nam tham gia vào 3 chuỗi giá trị có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, nổi bật nhất là chuỗi giá trị lương thực và an ninh lương thực, tiếp đó là chuỗi giá trị năng lượng và chuỗi giá trị hàng dệt may và da giày.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác