(VOV5) - Việt Nam đang có hàng triệu doanh nhân, gần 900 nghìn doanh nghiệp cùng các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Hôm nay (13/10) kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Ra đời từ năm 2004, Ngày Doanh nhân Việt Nam nhằm khẳng định những đóng góp và tầm quan trọng của doanh nhân trong việc xây dựng nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển đất nước. Nhiều hoạt động kỷ niệm ngày này đã và đang diễn ra.
Doanh nghiệp tiêu biểu nhận Bằng khen của UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Anh/TTXVN |
Tối qua (12/10), Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ tôn vinh sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu của Thành phố năm 2023. 100 sản phẩm, dịch vụ của 74 doanh nghiệp được Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố tôn vinh và trao bằng chứng nhận sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu của thành phố năm 2023. Đây là những sản phẩm, dịch vụ của những doanh nghiệp có nhiều sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý sản xuất sản phẩm, dịch vụ đạt chất lượng tốt, không những đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng mà còn đảm bảo các yếu tố về chất lượng lao động, môi trường và trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội.
Việc xét chọn “Sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu thành phố Hồ Chí Minh” là hành động cụ thể để thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Doanh nghiệp đạt danh hiệu có thêm động lực để phát triển sản xuất, tăng khả năng tiêu thụ và mở rộng thị trường. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), chia sẻ: “Bidrico được công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu là cơ hội lớn để quảng bá thương hiệu. Đặc biệt, chúng tôi được công nhận danh hiệu doanh nghiệp xanh của thành phố Hồ Chí Minh, mang lại một dấu ấn quan trọng cho sự phát triển sản phẩm của chúng tôi trên "hành trình xanh" của Thành phố”.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công. Ảnh: VOV |
Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, năm nay Kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam đúng vào dịp Bộ Chính trị vừa ra Nghị quyết mới về phát triển và phát huy vai trò của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, bằng rất nhiều quyết sách cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, như: hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ miễn, giảm chi phí cho doanh nghiệp, giãn giảm nộp các nghĩa vụ về ngân sách...: “Nghị quyết có giá trị hết sức lâu dài cho doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Nhìn lại chặng đường phát triển của doanh nhân Việt Nam, chúng ta thấy từ khi đổi mới đến bây giờ là 37 năm. Từ bây giờ cho đến lúc chúng ta đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển còn 22 năm. Hiện, chúng ta đang bắt đầu bước vào giai đoạn thực hiện các mục tiêu và khát vọng đưa Việt Nam phát triển. Và việc Nghị quyết 41 ra đời là định hướng xây dựng một đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, đủ sức thực hiện sứ mệnh góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 trong 22 năm tới”.
Hiện nay, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển không ngừng về số lượng. Tính đến nay, Việt Nam đang có hàng triệu doanh nhân, gần 900 nghìn doanh nghiệp cùng các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các hợp tác xã đã tạo thành lực lượng hùng hậu thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển với quy mô GDP thuộc top 40 thế giới. Nhiều sản phẩm Việt Nam tự hào vươn ra thị trường toàn cầu đến mọi châu lục, đồng thời cũng đáp ứng tốt các nhu cầu trong nước.