(VOV5) - Việt Nam đang bước vào ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng với các khu vực, nền kinh tế lớn thế giới khi hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang chuẩn bị được ký kết. Bên cạnh những ưu đãi sẽ được hưởng từ các Hiệp định FTA, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức và nhiều việc phải làm để đón đầu cơ hội to lớn này. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại thị trường cũng như nền kinh tế.
Nghe chi tiết tại đây:
Việt Nam hiện đã ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Trong đó có 2 Hiệp định mới ký kết là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu. Các Hiệp định thương mại tự do đem lại cơ hội mới cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nhất là khi các nước tham gia hiệp định xóa bỏ thuế nhập khẩu. Hiệp định là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa của các đối tác, điều này sẽ giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời, giúp Việt Nam cơ cấu, cân bằng thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nhất định. Khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp Việt sẽ được mở thêm nhiều cánh cửa cho thị trường xuất khẩu. Đối với một nền kinh tế đang trên đà phát triển như Việt Nam thì việc mở rộng thị trường rất quan trọng. Bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam, cho rằng: Hiệp định thương mại tự do là cơ hội, là động lực để tiếp tục phát triển doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đây là một sân chơi lớn mà khi tham gia, bắt buộc các doanh nghiệp phải đổi mới trong tư duy và cả trong cách thức kinh doanh. Bà Đặng Phương Dung cho biết: “Yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của bên nhập khẩu thường là cao, là một thách thức vì xuất phát điểm của ngành dệt may đang rất yếu trong khâu nguồn cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành dệt may. Các doanh nghiệp Việt Nam đang chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu vào để xuất khẩu. Đây là một trong những thách thức lớn nhất trong ngành dệt may. Bên cạnh đó chúng ta lại nhìn nhận nó ở góc độ là một cơ hội để chúng ta có thể kêu gọi đầu tư, trong nước, nước ngoài vào lĩnh vực đó.”
Với lộ trình cắt giảm sâu các dòng thuế theo cam kết, nhiều mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam như: gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến, sữa, đường… sẽ bị tác động mạnh. Mặt khác, một số ngành công nghiệp như: ô tô, sắt thép, may mặc… cũng sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm của các nước trong khu vực. Để có thể tận dụng tốt các ưu đãi thì doanh nghiệp cần nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật các quy định cũng như cam kết trong Hiệp định thương mại tự do. Yêu cầu cam kết hội nhập là đòn bẩy để Việt Nam thực hiện tái cơ cấu, góp phần tăng trưởng kinh tế, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, Bộ Công Thương cho rằng: “Hỗ trợ từ hiệp định này là đặt ra một lộ trình hợp lý để các ngành trong nước có thể kết hợp đầu tư, đổi mới công nghệ, đảm bảo cho các sản phẩm có cạnh tranh. Khi hội nhập kinh tế quốc tế thì sức ép là đảm bảo cho hàng hóa của Việt Nam phát triển được, đảm bảo tính cạnh tranh của thị trường quốc tế. Chính sức ép này có thể giúp cho Việt Nam tái cơ cấu, đổi mới công nghệ và đem lại sức cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam”.
Hiệp định thương mại tự do vừa giúp doanh nghiệp Việt Nam hội nhập với thế giới, vừa là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn lại mình, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các nhà nhập khẩu. Để đạt được thành công thì cách duy nhất để doanh nghiệp vươn lên và khẳng định mình trên thương trường quốc tế là cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu các cơ chế chính sách cũng như tìm các đối tác phù hợp. Ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng để chuẩn bị cho chiến lược hội nhập và toàn cầu hóa, thì doanh nghiệp phải cạnh tranh, không ngừng đổi mới và sáng tạo. Cùng với đó, tích cực tìm kiếm thị trường, hiểu được nhu cầu của thị trường mà mình sẽ đưa hàng đến để có chiến lược, kế sách thực hiện rõ ràng. Ông Lưu Bích Hồ nhấn mạnh: “Thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã thâm nhập và có chỗ đứng tại thị trường của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng yêu cầu của họ càng ngày càng cao, cho nên chúng ta phải cố gắng nâng cao mình lên. Cơ hội là rất lớn nhưng đi đôi với cơ hội thì thách thức cũng không nhỏ. Doanh nghiệp phải cố gắng để biến thách thức thành cơ hội thật sự mạnh hơn, tốt hơn... để có được bước phát triển. Điều này đồng bộ với quá trình tái cơ cấu. Trong thời kỳ chúng ta đang hội nhập thì chính hội nhập là cơ hội tốt để phát triển lên, đây cũng là thách thức lớn buộc ta phải thay đổi”.
Cơ hội từ việc gia nhập hiệp định thương mại tự do dành cho các doanh nghiệp Việt Nam đang đến rất gần. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang đẩy nhanh cải cách, chủ động chuyển hướng đầu tư, nâng cao trình độ, chuyển giao công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ngoài việc được hưởng ưu đãi từ các Hiệp định, đây là cơ hội lớn để Việt Nam tái cơ cấu thị trường, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và có đủ sức vươn ra thị trường thế giới./.