(VOV5) - Xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy lợi thế liên kết vùng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hà Nam.
Đây cũng là một trong ba khâu đột phá được Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định và tâp trung triển khai.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Lãnh đạo tỉnh Hà Nam xác định cơ sở hạ tầng được hoàn thiện sẽ góp phần nâng cao năng lực vận tải, thúc đẩy giao thương hàng hóa. Do đó, thời gian qua, nhiều tuyến đường giao thông quan trọng như đường vành đai 5, đường 68, các đường tỉnh lộ đã được tỉnh đầu tư xây dựng, tạo thành mạng lưới giao thông hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa giữa các tỉnh, thành lân cận. Tỉnh cũng chủ động hỗ trợ, phối hợp giữa các địa phương giáp ranh xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, động lực thúc đẩy liên kết vùng. Theo kế hoạch năm 2022 và những năm tiếp theo, tỉnh Hà Nam tiếp tục thi công các công trình giao thông điểm nhấn, như: dự án xây dựng giai đoạn 2 dự án xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, triển khai tuyến đường 495C, đường vành đai 4…. Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trần Xuân Dưỡng cho rằng:
Hạ tầng giao thông phát triển tạo tiền đề thúc đẩy KT-XH tỉnh Hà Nam |
Phát triển hạ tầng giao thông là bước đi rất quan trọng. Phát triển hạ tầng giao thông thì mới phát triển được các lĩnh vực xã hội khác. Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh đã tích cực triển khai các yêu cầu nhiệm vụ để phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là công tác quy hoạch. Yêu cầu các huyện,thị xã triển khai xây dựng các tuyến đường. Trên cơ sở quy hoạch định hướng, tỉnh sẽ triển khai quy hoạch chi tiết để sớm triển khai đưa vào hoạt động.
Đặc biệt, với quyết tâm tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, lãnh đạo tỉnh Hà Nam cũng chỉ đạo các Sở, nhất là Sở giao thông vận tải, tập trung nâng cấp các đường huyện và các trục đường đô thị, ưu tiên xây dựng một số tuyến đường, cầu mới, gắn liền với bảo trì, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Đối với các tuyến đường nội tỉnh, trong vài năm trở lại đây, hàng trăm tuyến đường xã, thôn, xóm, hàng chục cầu dân sinh cũng được đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới. Ông Hoàng Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm, Hà Nam, cho biết:
Huyện Thanh Liêm đã tập trung công tác phát triển hạ tầng giao thông. Huyện đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh xây dựng quy hoạch vùng Thanh Liêm đến năm 2023, tầm nhìn 2050 là cơ sở thực hiện các bước tiếp theo. Bên cạnh đó, Huyện tập trung giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tốc độ thi công.
Ông Lê Văn Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tâm, Thanh Liêm, Hà Nam cho biết: "Trong những năm vừa qua, chúng tôi đã bê tông hóa khoảng 30km đường thôn, xóm. Chúng tôi thực hiện cơ sở hạ tầng này để cho nhân dân thông thương, phát triển kinh tế."
Với mục tiêu sớm trở thành tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao, hiện đại, tỉnh Hà Nam xây dựng Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Phương án phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, theo hướng khai thác tối đa lợi thế về hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics. Ðôn đốc củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hạ tầng, các dịch vụ hỗ trợ gắn với tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp hiện có. Tỉnh tập trung hoàn thiện thủ tục dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Châu Giang; dự án Nhà máy sản xuất lắp ráp ô-tô Hồng Ðức và cụm cảng Yên Lệnh, dự án Cụm công nghiệp Yên Lệnh. Thành lập Khu công nghiệp Ðồng Văn I mở rộng phía đông bắc nút giao Vực Vòng - giai đoạn I, tỉnh Hà Nam.
Các ngành chức năng, nhất là Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với chủ đầu tư hoàn thành các dự án trọng điểm, nâng cấp hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cạnh các khu công nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các dự án hạ tầng kỹ thuật theo hướng đảm bảo kết nối đồng bộ với khu vực lân cận để thu hút các tập đoàn đầu tư lớn, các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại. Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trần Xuân Dưỡng cho biết:
Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo phải đảm bảo điều kiện về mặt bằng để các doanh nghiệp hoạt động sản xuất; tập trung phát triển các cụm công nghiệp để chúng ta luôn luôn có mặt bằng sạch, cơ sở hạ tầng đầy đủ để thu hút các nhà đầu tư.
Ông Park Hyeon Su, Tổng giám đốc công ty TNHH Anam Electronics Việt Nam, chia sẻ: "Năm 2022, chúng tôi đã xây dựng và mở rộng nhà máy để phục vụ sản xuất trong năm 2023. Trong thời gian xây dựng, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh Hà Nam và các ban, ngành."
Với vị trí thuận lợi nằm ở phía Nam thủ đô Hà Nội, cùng với việc đầu tư hạ tầng cơ sở một cách có hệ thống, kết nối liên hoàn, tỉnh Hà Nam đứng trước cơ hội hợp tác toàn diện, sâu rộng với các tỉnh, thành phố năng động và phát triển nhanh, như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.