(VOV5)- Thực hiện thủ tục hải quan điện tử đã mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, đáp ứng các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính của chính phủ. Theo báo cáo của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, sau 10 tháng đưa vào thực hiện hải quan điện tử đã đáp ứng được mục tiêu hiện đại hóa ngành hải quan cũng như giúp cho công tác xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp được nhanh chóng, hiệu quả.
|
Hiện nay, thủ tục hải quan điện tử đã được triển khai tại tất cả 34 Cục Hải quan trên cả nước. Số lượng doanh nghiệp tham gia thủ tục hải quan điện tử là hơn 45.000 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ trên 95% số lượng doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu. Trong đó, có 6.300 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm tỉ trọng 14%.
Đánh giá về những tiện lợi do hải quan điện tử mang lại, bà Vũ Hải Linh, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thái, chia sẻ: so với trước kia, doanh nghiệp phải chờ kết quả phân luồng thông quan để biết được mình có phải kiểm tra hàng hóa hay không, thì hiện nay doanh nghiệp nhận được kết quả ngay lập tức chỉ với một lần nhấp chuột trên máy tính. Đối với những hàng hóa được phân vào luồng xanh, doanh nghiệp có thể đi nhận hàng ngay.
Thời gian thông quan rất nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp: “Tham gia vào hải quan điện tử, doanh nghiệp chúng tôi không phải đến trực tiếp trụ sở hải quan mà có thể làm tờ khai hải quan ngay tại công ty và vào bất kỳ thời gian nào trong ngày. Bên cạnh đó cũng được miễn kiểm tra hồ sơ giấy và hàng hóa. Đặc biệt một cái lợi nhất mà doanh nghiệp nào tham gia hải quan điện tử cũng nhận thấy là: doanh nghiệp giảm được thời gian và chi phí làm thủ tục hải quan. Mặt khác, doanh nghiệp có thể chủ động hoàn toàn trong quá trình khai báo và nộp lệ phí hải quan.”
Ông Trần Quốc Định, Phó Ban cái cách hiện đại hóa hải quan, Tổng Cục Hải quan Việt Nam, cho biết thủ tục hải quan điện tử được xây dựng dựa trên nền công nghệ thông tin và quy trình nghiệp vụ đơn giản, hài hòa, thống nhất và phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế: “thủ tục hải quan điện tử được xây dựng dựa trên nền công nghệ thông tin và quy trình nghiệp vụ đơn giản, hài hòa, thống nhất và phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Tổng cục đã chỉ đạo các Cục Hải quan đã chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi việc thực hiện thủ tục hải quan từ thủ công sang thí điểm với hầu hết chi cục trực thuộc dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn, của Tổng cục Hải quan. Các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan điện tử đã được ghi nhận, phản ánh và xử lý kịp thời.”
Trên cơ sở Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020, Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2011-2015, cùng với hy vọng tạo sự đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, từ ngày 1/4/2014, Tổng Cục Hải quan sẽ triển khai áp dụng Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia sử dụng cho mục đích thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu (VNACCS/VCIS - Viet Nam Automated Cargo Clearance System). Hiện hệ thống hải quan điện tử chỉ tập trung khâu trong và sau thông quan trong khi hệ thống VNACCS mở rộng thêm các chức năng, thủ tục mới như: thủ tục đăng ký danh mục miễn thuế, thủ tục áp dụng chung cả hàng mậu dịch và phi mậu dịch, thủ tục đơn giản đối với hàng trị giá thấp, chức năng quản lý hàng hóa tạm nhập – tái xuất. Hệ thống VNACCS cũng cho phép kết nối với một số Bộ, Ngành theo cơ chế một cửa. Theo đó, cơ quan Hải quan sẽ gửi thông tin liên quan đến việc xin cấp phép của các cơ quan chuyên ngành. Kết quả xử lý cấp phép sẽ được thực hiện thông qua Hệ thống.
Theo ông Trần Quốc Định, Phó Ban cải cách hiện đại hóa hải quan, Tổng Cục Hải quan Việt Nam, Hệ thống VNACCS/VCIS được xây dựng với sự giúp đỡ của Nhật Bản và sẽ tạo ra bước ngoặt trong tiến trình hiện đại hóa Hải quan. Đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ an ninh kinh tế, thương mại, bảo vệ môi trường và trật tự an toàn xã hội: “Khi áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS, đối với doanh nghiệp sẽ rất nhanh và thuận tiện. Cụ thể khi triển khai hệ thống, thời gian thông quan chỉ 1-3 giây đối với luồng xanh. Doanh nghiệp sẽ ít sử dụng hồ sơ giấy mà chuyên qua chữ ký điện tử. Hệ thống cũng tự động phân luồng đối với hàng hóa. Đặc biệt khi hệ thống kết nối với các Bộ, ngành thì doanh nghiệp chỉ cần khai báo thông tin một lần.”
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng của việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử, ngành hải quan Việt Nam sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhân lực và xây dựng kế hoạch, triển khai thủ tục hải quan điện tử đồng bộ. Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền thủ tục hải quan điện tử đến đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, đến các cơ quan quản lý nhà nước… để từ đó, giúp công tác xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong và ngoài nước ngày càng thuận tiện, nhanh chóng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước./.