(VOV5) - Vận chuyển hàng hóa thông qua tuyến đường sắt Á – Âu đã trở thành một trong những lựa chọn phù hợp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam và các nước trong khu vực này.
Thực hiện kế hoạch hành động về việc triển khai các hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu và Liên minh châu Âu, nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường trong bối cảnh dịch bênh COVID-19, chiều 22/12, tại Hà Nội, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức Diễn đàn hợp tác thương mại với các đối tác khu vực Á - Âu 2021 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Các diễn giả trao đổi về cơ hội kinh doanh tại khu vực Á – Âu. Ảnh: Báo Công thương |
Tại diễn đàn, các diễn giả chia sẻ nhiều thông tin đến tuyến đường sắt liên vận quốc tế Á – Âu như việc hàng hóa được vận chuyển bằng đường sắt từ Việt Nam, thông qua 2 cửa khẩu Đồng Đăng và Lào Cai kết nối với tuyến đường sắt Á - Âu, qua Trung Quốc đến các nước Trung Á (Kazakhstan, Tajikistan), Nga và các nước châu Âu.
Trong bối cảnh chi phí vận tải biển ngày một tăng, vận tải hàng không chi phí cao, vận tải bằng đường sắt ngày càng trở nên hấp dẫn. Cùng với đó, thời gian vận chuyển ít hơn nhiều so với vận tải bằng đường biển; chi phí phù hợp khi lượng hàng hóa gia tăng, tính ổn định và an toàn cao. Vận chuyển hàng hóa thông qua tuyến đường sắt Á – Âu đã trở thành một trong những lựa chọn phù hợp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam và các nước trong khu vực này.
Ngoài ra, đại diện các Thương vụ cũng chỉ ra những lợi ích khi vận chuyển hàng hóa đi và đến châu Âu thông qua các cảng biển của các nước khu vực Đông Âu như: Slovenia, Bulgaria, Romania cũng như chia sẻ thông tin về các sàn thương mại điện tử tại các thị trường này để doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu trên môi trường mạng.