(VOV5) - EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam ở chiều xuất khẩu và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam xét về thương mại hai chiều.
Theo quy định của Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và thống nhất giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), hai bên tổ chức Phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Thương mại của Hiệp định này chiều 19/7/2021 theo hình thức trực tuyến. Phiên họp được tiến hành dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu Valdis Dombrovskis.
Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8 năm 2020. Trải qua gần một năm thực thi Hiệp định, trao đổi thương mại song phương giữa hai bên đã có những tăng trưởng tích cực. Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 27,67 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiệp định EVFTA (European-Vietnam Free Trade Agreement). Nguồn: vinanet |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam ở chiều xuất khẩu và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam xét về thương mại hai chiều: "Sau gần một năm thực thi Hiệp định này tôi rất vui mừng khi chứng kiến những kết quả tích cực của Hiệp định đối với thương mại đầu tư song phương, với những con số rất ấn tượng bất chấp khó khăn, trở ngại do covid-19 gây ra. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU có mức tăng trưởng khoảng 20%, đồng thời tăng trưởng nhập khẩu từ EU đạt mức khoảng 18% so với cùng kỳ năm trước. Với những kết quả tích cực như vậy, tôi hy vọng rằng trong thời gian tới, Hiệp định EVFTA tiếp tục là bàn đạp đưa quan hệ thương mại song phương phát triển hơn nữa, khắc phục những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 cũng như đưa hàng hóa, dịch vụ và con người của hai bên chúng ta gần nhau hơn"
Tại Phiên họp, hai bên nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh quá trình thực thi Hiệp định, giải quyết các vấn đề có khả năng tác động không thuận lợi đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hai bên để giúp duy trì và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch COVID-19.