(VOV5) - Khi Hiệp định RCEP được ký kết sẽ tạo ra một thị trường với quy mô khoảng 3,5 tỷ người tiêu dùng và GDP xấp xỉ 49.000 tỷ USD, chiếm khoảng 39% GDP toàn cầu.
Trong khuôn khổ các hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan, sáng 11/11, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) họp trù bị theo hình thức trực tuyến.
Họp báo Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37. - Ảnh: Báo Công Thương |
Trước đó, các nước thành viên khẳng định mục tiêu sẽ hoàn thành việc ký kết RCEP trong năm 2020 nhằm thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương, tự do hóa thương mại và đầu tư và cũng là đóng góp quan trọng cho quá trình phục hồi sau dịch bệnh tại khu vực.
Tại buổi họp báo về Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan, ngày 9/11, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, Nguyễn Quốc Dũng cho biết hiện nay việc đàm phán RCEP đã hoàn tất. Các nước đang xúc tiến các thủ tục nội bộ để có thể ký kết vào ngày 15/11 tới: “Hiệp định RCEP đã tốn rất nhiều năm để thương lượng, để thấy rằng nó có ý nghĩa rất lớn với khu vực, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi thế giới chịu tác động của COVID-19. Việc ký được Hiệp định RCEP sẽ tạo nên sức bật mới , 1 cú hích mới cho sự phát triển thương mại trong khu vực. Việc ký kết là mong đợi của tất cả các nước và có ý nghĩa với Việt Nam khi là Chủ tịch ASEAN 2020”.
RCEP gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác lớn mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Khi Hiệp định RCEP được ký kết sẽ tạo ra một thị trường với quy mô khoảng 3,5 tỷ người tiêu dùng và GDP xấp xỉ 49.000 tỷ USD, chiếm khoảng 39% GDP toàn cầu.