(VOV5) - Bộ Tài nguyên và Môi trường và UNDP đã giới thiệu Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam để kết nối giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp
Ngày 28 tháng 6 năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức “Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam” với sự tham gia của lãnh đạo đại diện thành viên Chính phủ, lãnh đạo Ban, ngành, địa phương, Trưởng đại diện các đối tác phát triển, Đại sứ, đại diện các doanh nghiệp lớn, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các trường đại học, viện nghiên cứu và các chuyên gia đầu ngành về kinh tế tuần hoàn.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự thiên đang là khủng hoảng kép đối với nhân loại hiện nay. Đây chính là hệ lụy của mô hình phát triển tuyến tính (Khai thác tài nguyên - Sản xuất - Tiêu dùng và cuối cùng là Thải loại ra môi trường) thiếu bền vững trong hơn 150 năm qua của nhân loại.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. |
Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà để nghị cần kiến tạo thể chế, cụ thể hóa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, nhất là những quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường (phát thải và công nghệ) tương đương với nhóm các tiên tiến trong khu vực.
Sự khác nhau giữa mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế tuyến tính. |
Tại Hội nghị, các đối tác trong nước và quốc tế đã cùng nhau chia sẻ về các mô hình Kinh tế tuần hoàn đã thành công trên thế giới, trong khu vực và từ đó, xác định các mô hình phù hợp có thể áp dụng tại Việt Nam. Diễn đàn là cơ hội để các bên cùng trao đổi và thảo luận về các cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính để thúc đẩy các mô hình Kinh tế tuần hoàn, qua đó, tăng cường hợp tác, huy động các nguồn lực, đặc biệt từ khối tư nhân trong việc xây dựng và triển khai mô hình Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, là công cụ quan trọng để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Liên hợp quốc cảnh báo, đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính, nhu cầu sử dụng tài nguyên sẽ tăng 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của Trái đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường. Vì vậy, yêu cầu cấp bách hiện nay là cần có mô hình kinh tế hiệu quả hơn về sử dụng tài nguyên, ngăn ngừa biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường đó là kinh tế tuần hoàn.
Tại diễn đàn Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khuyến nghị, để đạt tới một nền kinh tế tuần hoàn bao trùm, carbon thấp và đạt được mức phát thải ròng bằng không, Việt Nam cần giảm nhiên liệu hóa thạch và tăng cường năng lượng tái tạo, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững, xanh, carbon thấp.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ tại hội nghị. |
Bà Caitlin Wiesen khẳng định: “Tại UNDP, chúng tôi cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng tầm nhìn xa hơn về sự phục hồi kinh tế xanh, một nền kinh tế tuần hoàn bao trùm và các-bon thấp để thực hiện phát thải ròng bằng không vào năm 2050. UNDP kêu gọi tất cả các đối tác của chúng tôi tham gia cùng nhau và thực hiện sứ mệnh này, nền kinh tế tuần hoàn trung hòa carbon - một trong đó, định hình lại chuỗi giá trị, xem xét lại các mô hình sản xuất và tiêu dùng, đồng thời chú trọng vào giới cho một quá trình chuyển đổi công bằng đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau”.
Chương trinh Phát triển Liên hợp quốc UNDP cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng tầm nhìn xa hơn về sự phục hồi kinh tế xanh, một nền kinh tế tuần hoàn bao trùm và carbon thấp để thực hiện phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UNDP đã giới thiệu Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam để kết nối giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.