(VOV5) - Một số chỉ tiêu quan trọng là: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm...
Trong phiên họp Quốc hội sáng 22/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và dự kiến Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tờ trình nêu rõ quan điểm phát triển, mục tiêu tổng quát, đưa ra những giải pháp chủ yếu để Việt Nam có thể bứt phá trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2016-2021 Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN |
Theo Tờ trình, mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 của Việt Nam là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Trong quá trình phát triển đất nước, Việt Nam luôn quan tâm bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Việt Nam đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng 02 chỉ tiêu so giai đoạn 2016-2020, với 08 chỉ tiêu về kinh tế, 09 chỉ tiêu về xã hội và 06 chỉ tiêu về môi trường. Một số chỉ tiêu quan trọng là: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số....
Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Thống Nhất/ TTXVN |
Báo cáo đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Nhanh chóng phục hồi nền kinh tế trong những năm đầu nhiệm kỳ, bứt phá, phát triển trong những năm tiếp theo.”
Báo cáo cũng đề cập giải pháp đầu tư công trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại; bảo đảm cơ cấu đầu tư hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, miền, lĩnh vực; đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông (đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường sắt, đường thủy) ở các vùng kinh tế trọng điểm và những vùng còn khó khăn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ.