Công ty TNHH Gia An ở quận Bình Tân, chuyên sản suất khóa số chống trộm và thiết bị định vị trên xe ô tô, nhờ chuyển đổi số ở khâu sản xuất và kế toán mà doanh nghiệp này tiết giảm được nhiều chi phí đồng thời hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng tăng từ 25-30% so với trước. Doanh nghiệp đang tiếp tục chuyển đổi số ở khâu bán hàng online vì hiện nay công ty đang tốn khá nhiều nhân lực cho bộ phận cập nhật nhập dữ liệu sản phẩm, khách hàng ở sàn thương mại điện tử.
Bà Phạm Thúy An, Giám đốc Công ty TNHH Gia An, chia sẻ trong quá trình chuyển đổi số, công ty rất cần sự hỗ trợ, tư vấn về giải pháp công nghệ phù hợp: “Thời đại này mà không chuyển đổi số thì sẽ không chạy kịp thị trường. Với công ty công nghệ như chúng tôi, việc chuyển đổi số rất quan trọng, cấp thiết. Chúng tôi cần đơn vị tư vấn phù hợp với khả năng, nội lực để tìm giải pháp chuyển đổi số phù hợp với tài chính, nhân lực chúng tôi.”
Các đại biểu tham gia diễn đàn về phát triển kinh tế số. Ảnh: Vinh Quang/VOV |
Chuyển đổi số đang là nhu cầu của rất nhiều doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, song nhiều doanh nghiệp chưa biết nên bắt đầu từ đâu. Theo kinh nghiệm của những doanh nghiệp chuyển đổi số thành công thì việc chuyển đổi phải làm từ từ, chọn từng khâu, từng phần chứ không thể dàn hàng ngang làm. Trước khó khăn của doanh nghiệp, thành phố đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số. Bên cạnh đó, nhiều công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cũng có nhiều giải pháp, công cụ cho từng ngành nghề, nghiệp vụ, dịch vụ của từng doanh nghiệp.
Ông Lê Hữu Nguyên, Giám đốc Công ty MISA Chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp, chi phí của doanh nghiệp, tùy vào điểm yếu của doanh nghiệp ở chỗ nào thì chúng ta sẽ tiến hành số hóa, chuyển đổi số ở chỗ đó. Chúng ta áp dụng công nghệ để giải quyết từng vấn để nhỏ nhất của doanh nghiệp. Chúng ta không nên làm đồng loạt vì nó còn liên quan đến chi phí của doanh nghiệp, nhận thức của đội ngũ nhân viên, nếu chúng ta áp dụng không hợp lý thì chuyển đổi sẽ không thành công.”
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh cao nhất cả nước, hạ tầng cáp quang, internet băng thông rộng, hạ tầng di động 3G, 4G phủ 100% xã, phường. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số cần đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng công nghệ cho chuyển đổi số như: kết nối 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet kết nối vạn vật, đảm bảo an ninh mạng… phải đạt một chất lượng nhất định.
Bà Đặng Thị Mỹ Châu, Phó Tổng giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Viet Locus, cho rằng: Doanh nghiệp mong muốn chính quyền kiến tạo được hệ sinh thái và xây dựng nền tảng đa dạng để có thể tương tác trên môi trường số và có những chính sách đồng bộ, liên thông và có tính nhạy bén cao: “Thành phố Hồ Chí Minh nên xây dựng những cơ chế đặc biệt dành cho những doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số, thì sẽ có được những lợi thế gì đi trước. Đơn cử như có những dự án lớn, nhỏ trong tầm kinh tế vĩ mô có thể ưu tiên cho doanh nghiệp nếu như họ có khả năng và công nghệ đã ứng dụng được chuyển đổi số.”
Doanh nghiệp đang tìm hiểu các giải pháp chuyển đổi số. Ảnh: Lệ Hằng/VOV |
Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu, tuy nhiên để đạt được mục tiêu đề ra, thành phố đang tiếp tục chú trọng đầu tư cho phát triển hạ tầng số lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, xây dựng cơ sở dữ liệu, thiết bị dùng chung, đẩy nhanh số hóa. Thành phố cần xây dựng cơ chế hỗ trợ đặc biệt ưu tiên thúc đẩy hợp tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ số giữa khu vực nghiên cứu và khu vực công nghiệp.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Thành phố xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Trong đó, có cái nhà nước phải tham gia, có cái doanh nghiệp nền tảng, đặc biệt doanh nghiệp công nghệ thông tin- viễn thông phải tham gia, thậm chí phải giảm phí, hay cung cấp dịch bằng 0 để cho nền tảng vận hành, trên nền tảng đó chúng ta sẽ thu lại. Những cái đó, cơ chế chính sách nào thuộc thẩm quyền của thành phố thì thành phố sẽ làm ngay, còn cái nào vượt thẩm quyền thì thành phố sẽ kiến nghị trung ương.”
Chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số được xác định “là xu thế tất yếu của thế giới, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc trong tiến trình này. Việt Nam đã và đang có nhiều chính sách chủ động tham gia thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.
Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản về chủ trương, chính sách chủ động tham gia thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Nghị quyết số 52 tháng 9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đề ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ lệ 20% GDP. Tỷ lệ này tiếp tục được khẳng định trong Quyết định tháng 6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Gần đây nhất, tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đề ra các điểm đột phá và xác định thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số.
Có thể thấy rằng, phát triển kinh tế số là một nhiệm vụ được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia và những điều kiện để hình thành, phát triển kinh tế số đều đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ, toàn diện. Trải qua gần bốn thập kỷ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Với tinh thần năng động sáng tạo, thành phố Hồ Chí Minh đang tận dụng các cơ hội kinh doanh mới từ chuyển đổi số, tham gia và đóng góp tích cực vào kinh tế số. Đây cũng là định hướng phát triển mới của Thành phố, nhằm phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng trong điều kiện bối cảnh còn nhiều biến động. Tuy nhiên, kinh tế số vẫn còn là lĩnh vực rất mới mẻ, bên cạnh sự đầu tư hạ tầng và dẫn dắt của chính quyền địa phương, rất cần sự chung tay đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách từ Trung ương, các bài học kinh nghiệm quý báu từ các doanh nghiệp, địa phương và các tổ chức quốc tế để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả.
Kinh tế số cũng đòi hỏi tinh thần dám nghĩ dám làm, đổi mới sáng tạo tìm kiếm cơ hội kinh doanh của các doanh nhân. Thành phố Hồ Chí Minh đang chuyển động nhanh hơn nữa và hoàn thiện các cơ chế chính sách, nâng cấp cơ sở hạ tầng và tạo hệ sinh thái thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển kinh tế số. Triển khai hiệu quả chuyển đổi số, kinh tế số là một trong những cơ hội quan trọng, giúp TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đi tắt, đón đầu, phát triển nhanh chóng, đuổi kịp và tiến vượt so với các nước trong khu vực.