(VOV5) - Sự phục hồi kinh tế đang diễn ra khá đồng đều trên cả ba khu vực và ở hầu hết các tỉnh, thành, địa phương trên cả nước.
Theo Tổng cục Thống kê, sáu tháng đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu phục hồi tích cực, với GDP ước tăng 6,42%, cao hơn cùng kỳ so sánh của năm 2020 và 2021, riêng GDP quý II/2022 tăng tới 7,72% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất trong 10 năm qua.
Sáu tháng đầu năm 2022, hoạt động ngoại thương có sự gia tăng mãnh liệt, với xuất khẩu đạt gần 186 tỷ USD, tăng hơn 173%, duy trì được xuất siêu hàng hóa 710 triệu USD. Ảnh minh họa: TTXVN |
Sự phục hồi kinh tế đang diễn ra khá đồng đều trên cả ba khu vực và ở hầu hết các tỉnh, thành, địa phương trên cả nước. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng cao nhất với 7,7%, khu vực dịch vụ tăng 6,6% và khu vực nông nghiệp tăng 2,78%. Đặc biệt, hoạt động ngoại thương có sự gia tăng mãnh liệt, với xuất khẩu đạt gần 186 tỷ USD, tăng hơn 173%, duy trì được xuất siêu hàng hóa 710 triệu USD. Ngoài ra, trong khi lạm phát cao đang là xu hướng chủ đạo hoành hành trên thế giới, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong nước vẫn trong tầm kiểm soát, với CPI bình quân sáu tháng năm 2022 chỉ tăng 2,44% so cùng kỳ năm trước.
Sự phục hồi kinh tế dựa trên phục hồi tổng cầu thị trường tiêu thụ trong nước, thể hiện qua mức tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (tăng tới 11,7%, đạt trên 2.717 nghìn tỷ đồng); sự bùng nổ của và các hoạt động dịch vụ vận tải và du lịch, trong đó, vận chuyển hành khách tăng 6,2%, luân chuyển 86,2 tỷ khách, tăng 15,2% và vận chuyển hàng hóa tăng 8,6% và luân chuyển gần 200 tỷ tấn/km (đơn vị khối lượng hàng hoá vận chuyển và cự ly vận chuyển thực tế), tăng 16%; thu hút khách du lịch quốc tế tăng 582% so cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi kinh tế còn được khẳng định và thúc đẩy bởi sự gia tăng mạnh số lượng doanh nghiệp thành lập mới (76.233 doanh nghiệp, tăng 13,6%) và quay trở lại hoạt động (40.667 doanh nghiệp, tăng 55,6%); tổng vốn FDI đăng ký mới (hơn 14 tỷ USD) và FDI thực hiện (10,06 tỷ USD) đều tăng cao.
Đặc biệt, Việt Nam đang có cơ hội phục hồi tích cực từ cải thiện môi trường đầu tư quốc tế và tuân thủ các cam kết hội nhập, giúp cải thiện nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế quan trọng khác và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Với phương châm hành động năm 2022 mà Chính phủ xác định là “Phục hồi hiệu quả, phát triển bền vững”, động lực phục hồi, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trước hết đến từ sự thành công của chiến lược tiêm phủ vaccine Covid-19 trên cả nước, tạo tiền đề cho sự nới lỏng và dỡ bỏ các giãn cách xã hội diện rộng kéo dài, giúp các hoạt động kinh tế trở về trạng thái bình thường trong bối cảnh mới. Động lực tăng trưởng còn được tiếp nối và khai thác từ sự kế tục thành quả đổi mới, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như nhờ xuất khẩu tăng trưởng, nhu cầu nội địa mạnh mẽ và vị thế điểm đến hàng đầu Đông Nam Á về thu hút FDI, các quan hệ đối ngoại mở rộng vững chắc; chính sách tài khóa, nợ công linh hoạt và hiệu quả.
Động lực tăng trưởng kinh tế 2022 còn tiếp tục gia tăng từ sự thúc đẩy các quá trình tự động hóa và số hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực kinh tế và quản lý nhà nước đối với xã hội. Các doanh nghiệp Việt Nam ngoài mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, còn tận dụng tối đa việc xuất khẩu hàng hòa, đáp ứng và khai thác các cơ hội mới từ các hiệp định thương mại tự do. Kết quả và triển vọng phục hồi kinh tế cả cấp vĩ mô và vi mô đã và đang là động lực để kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, và cũng là niềm tin để người dân, các thành phần kinh tế tin tưởng, chủ động, nhanh chóng vượt khó khăn, ổn định sản xuất… để cùng cả nước phục hồi, phát triển bền vũng hơn.