(VOV5)-Luật đầu tư công đã được kỳ họp Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2014, có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Việc triển khai Luật đầu tư công lần này sẽ tránh việc đầu tư dàn trải, mất cân đối trong đầu tư, qua đó khắc phục được tình trạng “xin cho” dễ gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Điểm mới trong Luật Đầu tư công là đưa công tác kế hoạch và đầu tư của đất nước đi vào nề nếp hơn, chuyển từ công tác kế hoạch hàng năm sang kế hoạch trung hạn - 5 năm. Đổi mới này sẽ bảo đảm tính chất căn cơ, lâu dài của đầu tư công, phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo cân đối vĩ mô của nền kinh tế; Đảm bảo tính công khai, minh bạch, góp phần giảm thiểu tiêu cực trong đầu tư công; Phắc phục một bước tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, dự án chậm tiến độ so với quyết định phê duyệt, góp phần nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.
|
Ông Phùng Quang Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng: Luật Đầu tư công sẽ giúp địa phương chủ động trong phân bổ và sử dụng nguồn lực, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư: “ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng kế hoạch trung hạn, việc này tạo cho địa phương chúng tôi có cơ sở quan trọng để quản lý, từ khi xem xét dự án, chủ trương đầu tư cho đến quyết định đầu tư và đến quá trình chỉ đạo thực hiện dự án. Điều này cũng tạo điều kiện cho chúng tôi xem xét lại toàn bộ nguồn ngân sách, từ đó chủ động trong xây dựng dự án và ngăn chặn được lãng phí trong xây dựng cơ bản, lãng phí trong xây dựng cơ bản và trách nhiệm được phân cấp cho người quyết định đầu tư”.
Với việc triển khai Luật đầu tư công lần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chủ động trong việc tham mưu với Chính phủ ban hành Chỉ thị về định hướng đầu tư công trung hạn, có những định hướng lớn trong quan điểm về đầu tư công, giúp cho các bộ, ngành và địa phương có căn cứ để xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành, địa phương, tránh đầu tư dàn trải.
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: việc điều phối giữa kế hoạch tài chính với kế hoạch đầu tư tốt sẽ tránh mất cân đối, qua đó, khắc phục được việc “ xin - cho” trong đầu tư. “Định hướng lớn như vậy nó cũng giúp cho các địa phương, đặc biệt là những vùng kinh tế trọng điểm của đất nước phối hợp để xây dựng. Chúng tôi cũng thấy rằng trong kế hoạch những dự án trọng điểm quốc gia, những dự án hạ tầng kỹ thuật quan trọng của đất nước, để tránh những phân tán, dàn trải. Mục tiêu là vậy nhưng đi vào thực hiện thì đòi hỏi phải có sự quyết tâm cần có sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành và vì mục tiêu chung, chứ nếu kế hoạch bị phá vỡ thì cũng sẽ phát sinh cơ chế “xin- cho”
Luật Đầu tư công cũng phải góp phần tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý sử dụng vốn nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư; nâng cao hiệu quả đầu tư từ vốn nhà nước theo định hướng phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Việc ban hành Luật cũng sẽ chống thất thoát, lãng phí, dàn trải và bảo đảm tính minh bạch, công khai trong hoạt động đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: “Khi làm kế hoạch đầu tư trung và dài hạn nó sẽ hạn chế được đầu tư phân tán bởi trong quy định đầu tư trung dài hạn khi khởi công dự án có những điều kiện ràng buộc rất chặt chẽ. Đó là các ngành các địa phương phải bố trí đủ vốn ở mức độ hợp lý để thanh toán nợ. Sau đó phải bố trí ưu tiên cho các dự án có khả năng hoàn thành đi vào sử dụng. Sau đó bố trí vốn cho các dự án viện trợ không hoàn lại( ODA) mà nhà nước góp vốn trong các hình thức đầu tư về hình thức công tư..
Tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định: Kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 có ý nghĩa hết sức to lớn, góp phần quan trọng để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 – 2020. Việc triển khai Luật Đầu tư công sẽ đưa công tác kế hoạch và đầu tư của đất nước đi vào nề nếp hơn, tăng tính chủ động cho các địa phương và qua đó nâng cao chất lượng quản lý, góp phần vào phát triển kinh – tế xã hội./.