(VOV5) - Mở cửa 1 thị trường mất ít nhất từ 3 đến 5 năm, doanh nghiệp khi làm một số sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ cũng mất đến 6 năm.
Sáng nay (13/12), tại Hà Nội, diễn ra Tọa đàm trực tuyến: "Mở cửa thị trường nông sản – cơ hội từ những thị trường khó tính". Tại đây, các đại biểu cho rằng những kết quả trong việc mở cửa thị trường góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp.
Vì vậy, người nông dân, doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của từng thị trường.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại Tọa đàm. Ảnh: Minh Long/ VO |
Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, chia sẻ: "Mở cửa 1 thị trường mất ít nhất từ 3 đến 5 năm, doanh nghiệp khi làm một số sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ cũng mất đến 6 năm. Đây là nỗ lực rất lớn từ phía các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong đàm phán để mở cửa thị trường. Khi chúng ta đã mở cửa được thị trường thì vấn đề quan trọng là làm sao để duy trì và phát triển thị trường đó. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng doanh nghiệp mà còn là vai trò của các địa phương của nông dân trong chuỗi liên kết để làm sao có thể phát huy được thị trường đó."
Tọa đàm “Mở cửa thị trường nông sản – cơ hội từ những thị trường khó tính”.
Ảnh: Minh Long/ VO |
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng muốn mở cửa được thị trường phải tăng cường liên kết không chỉ với nông dân mà còn cần kết nối giữa các ngành hàng, doanh nghiệp với nhau.
"Chúng ta đa dạng hóa thị trường thì cũng phải tổ chức lại sản xuất theo tín hiệu của thị trường. Thực tiễn đòi hỏi phải có sự liên kết. Ngoài việc liên kết giữa các hộ nông dân với nhau thì phải liên kết các hộ nông dân với các cơ quan quản lý ở địa phương và cơ quan quản lý ở Trung ương. Ví dụ, làm xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc thực vật thì bắt buộc phải liên kết với Cục Bảo vệ thực vật, đây là một sự đồng hành rất chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước với nông dân, doanh nghiệp". Ông Ngô Xuân Nam nói.