(VOV5) - Trong bối cảnh áp lực nợ công tăng cao và dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể phải chuyển sang vay theo điều kiện thị trường, thì việc quản lý sử dụng vốn ODA càng phải chặt chẽ và hiệu quả hơn.
|
Nhận định này được đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính tổ chức chiều 25/10, tại Hà Nội. Theo Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), trong 9 tháng qua, Chính phủ huy động vốn ODA hơn 350.000 tỷ đồng, tương đương 77,5% so với kế hoạch cả năm. Về nghĩa vụ trả nợ, khoản vay trong nước hiện nay phải trả nợ khoảng 58.000 tỷ đồng, các khoản vay nước ngoài 9.900 tỷ đồng. Tất cả khoản vay này vẫn nằm trong hạn mức mà từ đầu năm, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được phê duyệt vay trả nợ cả năm.
Thực chất, nguồn vốn ODA cũng là nợ quốc gia, do đó, cần được sử dụng một cách chiến lược hơn và cẩn trọng hơn. Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, doanh nghiệp và địa phương muốn tiếp cận vốn ODA sẽ không còn được cấp phát như trước đây, mà sẽ theo cơ chế cho vay lại. Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, tới đây sẽ thắt chặt quản lý bảo lãnh vay vốn. Theo đó sẽ có danh mục dự án ưu tiên cấp bảo lãnh, thu hẹp đối tượng và đưa ra hàng loạt yêu cầu chặt chẽ hơn đối với doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh vay nợ nước ngoài.