Mục tiêu tăng trưởng GDP 2017 do Quốc hội đề ra đạt được sự đồng thuận xã hội

(VOV5) -  Trong phiên họp chiều 7/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Một trong những chỉ tiêu quan trọng mà Nghị quyết đặt ra là mức tăng trưởng GDP khoảng 6,7%.


Mục tiêu tăng trưởng GDP 2017 do Quốc hội đề ra đạt được sự đồng thuận xã hội - ảnh 1
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường


Lý giải về chỉ tiêu này, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: "Năm 2016 tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch. Thiên tai nhiều, gây thiệt hại lớn.  Nhưng trong bối cảnh môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, đồng thời từ năm 2017 Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện đồng bộ kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, hướng tới huy động, phân bổ và sử dụng ngày càng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát  triển kinh tế - xã hội. Do vậy giữ mục tiêu  tăng GDP khoảng 6,7% là để phấn đấu quyết liệt, đạt mức cao nhất theo Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 – 2020 (chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước  tăng bình  quân 5 năm 6,5 – 7%/năm)".

Ngay sau khi Nghị quyết được thông qua, dư luận bày tỏ tin tưởng vào việc hoàn thành chỉ tiêu này. Ông Nguyễn Văn Đạo, người dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: "Tôi cho rằng mục tiêu này thể hiện sự quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ. Chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu này, bởi lẽ Chính phủ vừa qua đã có rất nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Cùng sự quyết tâm của các Bộ, ban ngành của Trung ương và địa phương, tôi tin mục tiêu 6,7% sẽ hoàn thành, đạt được".


Đề cập mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng  cho biết để thực hiện mục tiêu này, trong năm 2017 dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ khoảng 1,6 triệu tỉ đồng (bằng 31,5% GDP), tăng khoảng 10% so với ước thực hiện năm 2016. Bộ trưởng giải thích vốn đầu tư vẫn đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, do khả năng cân đối vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước là khó khăn nên cần huy động các nguồn vốn ngoài nhà nước, đặc biệt là vốn FDI, vốn tư nhân.

Phản hồi

Các tin/bài khác