Năm 2013 mục tiêu thu hút 13-14 tỷ USD vốn FDI

Bộ KHĐT cũng đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm nay khoảng 10,5-11 tỷ USD.

Bộ KHĐT dẫn đánh giá của các tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế cho biết, nền kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2013 sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chưa thể phục hồi mạnh trong năm nay.

Vì vậy, dự kiến năm 2013 vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 13-14 tỷ USD (năm 2012 thu hút đạt 13,01 tỷ USD), vốn thực hiện dự kiến đạt khoảng 10,5-11 tỷ USD, tương đương năm 2012.

Năm 2013 mục tiêu thu hút 13-14 tỷ USD vốn FDI  - ảnh 1
Lắp ráp máy in tại nhà máy của Công ty Canon Việt Nam (Ảnh: VnEconomy)

Theo ông  Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), để đạt được các mục tiêu trên, năm 2013 cần thực một số giải pháp như:

Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư, ban hành chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút FDI giai đoạn 2011-2020, nhưng phải đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Năm 2012 tổng vốn đăng ký cấn mới và tăng thêm là 13,01 tỷ USD bằng 84,7% so với năm 2011; vốn thực hiện đạt 10,46 USD, bằng 95,1% năm 2011.

Nhật Bản vẫn là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong năm 2012 với vốn đăng ký đạt trên 5,13 tỷ USD, chiếm 39,55% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Bình Dương là địa phương thu hút vốn nhiều nhất với 2,53 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm trong năm 2012.

Cạnh đó, cần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quy hoạch từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt đến quản lý quy hoạch; tiếp tục thực hiện tốt 3 khâu đột phá là cải cách thể chế, cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao hiệu quả công tác quản lý dòng vốn FDI;


Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để hỗ trợ thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư;

Hoàn thiện cơ chế phân cấp trong quản lý FDI theo hướng phát huy quyền chủ động của địa phương, đồng thời đảm bảo tập trung thống nhất, hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước.

Về phương thức xúc tiến đầu tư, theo ông Hoàng, cũng cần cải tiến theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, theo từng ngành, lĩnh vực, khu vực và theo đối tác. Tránh tình trạng xúc tiến đầu tư tràn lan, tăng cường sự phối hợp, điều phối thống nhất chung và có kế hoạch. Tăng cường hỗ trợ cho các nhà đầu tư đang đầu tư tại Việt Nam hoạt động có hiệu quả.

Hơn nữa, phải giảm rào cản cho nhà đầu tư nước ngoài đối với một số ngành dịch vụ mà Việt Nam đang có nhu cầu, đồng thời xây dựng các rào cản kỹ thuật phù hợp cam kết quốc tế để hạn chế các dự án không khuyến khích./.

Xuân Thân/VOV online

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác