Nâng cao chất lượng thu hút đầu tư FDI ngay từ đầu năm 2014

(VOV5) - Hai tháng đầu năm 2014, Việt nam thu hút được 122 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI) với tổng vốn đăng ký và cấp mới gần 1,54 tỷ USD. Dù chỉ đạt khoảng 37 % so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chất lượng các dự án FDI đang dần được cải thiện, hứa hẹn thu hút dòng vốn FDI ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Trong số 29 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc hiện vẫn dẫn đầu, tiếp theo là Singapore và Nhật Bản, Hoa Kỳ... Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 tỉnh thành phố của Việt nam, trong đó Bình Dương là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm hơn 690 triệu USD, tiếp theo là Hải Phòng 195 triệu USD và thành phố Hồ Chí Minh gần 148 triệu USD.


Các dự án được cấp phép trong 2 tháng đầu năm phần lớn trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, chẳng hạn như: Dự án Công ty TNHH Wonderful Sài Gòn Electrics điều chỉnh tăng vốn đầu tư 210 triệu USD do Nhật Bản đầu tư ở tỉnh Bình Dương, Dự án Công ty TNHH SI Flex Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 106 triệu USD sản xuất bảng mạch in mềm tại tỉnh Bắc Giang...So với các dự án FDI quy mô lớn, trị giá hàng tỷ USD cuối năm 2013 như: lọc hoá dầu Nghi Sơn hay điện tử Samsung thì đây là con số quá khiêm tốn. Tuy nhiên, những dự án này lại cho thấy có sự chuyển hướng quan trọng trong chính sách thu hút vốn đầu tư FDI của Việt nam. Để nguồn vốn FDI thực sự phát huy hiệu quả và có sức lan toả đối với nền kinh tế. Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt nam, cho rằng: Định hướng trong thu hút đầu tư tới đây không phải thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà là những dự án có hàm lượng công nghệ nhất định, những dự án công nghệ cao, ví dụ như lọc hoá dầu, thì sau lọc hoá dầu là hàng loạt các dự án khác, các hoạt động dịch vụ khác gắn với lọc hoá dầu sẽ có tác động lan toả, tạo ra hàng loạt các doanh nghiệp vệ tinh xung quanh các dự án lớn đang được triển khai với Nhật Bản, Hàn Quốc, do vậy chúng ta nghiên cứu làm sao để phát triển công nghiệp phụ trợ sẽ được triển khai tới đây, đó là thành lập một số khu công nghiệp phụ trợ.

 Nâng cao chất lượng thu hút đầu tư FDI ngay từ đầu năm 2014 - ảnh 1
Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Một tín hiệu đáng mừng trong thu hút vốn FDI thời gian gần đây là việc nhiều tập đoàn đa quốc gia đã mở rộng đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn trị giá hàng tỷ USD tiếp tục chờ được thông qua. Những năm gần đây, nguồn vốn FDI đã và đang đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt nam. Tính đến hết năm 2013, Việt nam đã có gần 15.700 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 239 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện khoảng 112 tỷ USD.


Thời gian gần đây, các dự án FDI không chỉ góp phần tăng trưởng kim ngạch, mà còn góp phần thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu. Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp FDI, cho biết: Năm vừa rồi kim ngạch xuất khẩu của Việt nam là 132 tỷ USD, thì xuất khẩu FDI chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó doanh nghiệp FDI đã xuất siêu, không những bù đắp được nhập siêu của doanh nghiệp trong nước, mà còn tạo ra năm thứ 2 liên tiếp xuất siêu tới 850 triệu USD. Nếu xu hướng xuất siêu mạnh dần lên, thì cán cân thanh toán quốc tế của Việt nam sẽ vững chắc hơn và  từ chỗ Việt nam chỉ có 15-16 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, thì nay dự trữ ngoại tệ đã tăng gấp đôi 30-32 tỷ USD, trong đó có đóng góp xuất siêu của các  doanh nghiệp FDI. 


Các dự án lớn, dự án công nghệ cao như các dự án công nghiệp điện tử của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên trong vài năm trở lại đây là những minh chứng cụ thể cho tác động lan tỏa từ nguồn vốn đầu tư FDI của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là tạo điều kiện để hình thành các doanh nghiệp vệ tinh, phát triển các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ. Tác động của các dự án FDI này không chỉ ở việc đóng góp về thuế, tăng trưởng GDP…mà còn tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong nước ở nhiều khía cạnh như: hình thành lực lượng lao động tiếp cận được trình độ quốc tế. Ngoài ra, những dự án công nghệ cao này còn tạo cơ hội cho người tiêu dùng được hưởng thụ những sản phẩm có chất lượng cao, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người Việt Nam trong sản xuất và kinh doanh, từng bước hội nhập với quốc tế.

 

Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá môi trường đầu tư Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, nhờ vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô, các chính sách ưu đãi được tăng cường và cơ sở hạ tầng cũng dần được cải thiện. Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt nam lựa chọn thu hút dòng vốn đầu tư FDI có chất lượng và đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác