Ngành da giày vượt qua thách thức, đón bắt cơ hội để tăng cường xuất khẩu

(VOV5)- Cho tới nay, Việt Nam đang bước vào giai đoạn cuối của những phiên đàm phán tham gia Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương ( TPP) với Hoa Kỳ và đang khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do với châu Âu (FTA). Việc đáp ứng các yêu cầu tham gia các Hiệp định này vừa là thách thức, nhưng cũng mở ra cơ hội để Việt Nam tăng cường xuất khẩu, trong đó có  xuất khẩu da giày.

Ngành da giày vượt qua thách thức, đón bắt cơ hội để tăng cường xuất khẩu  - ảnh 1

Hiệp định TPP và Hiệp định FTA sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt nam. Với việc thực hiện các cam kết tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP với Hoa kỳ và Hiệp định thương mại tự do châu Âu ( FTA), các doanh nghiệp da giày Việt nam có điều kiện được hưởng mức thuế suất thấp hoặc bằng 0 . Đây là điều có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất da giày xuất khẩu Việt nam. Tham gia các Hiệp định TTP và FTA cũng là dịp để các doanh nghiệp da giày Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến và tiếp cận với các thương hiệu lớn về sản phẩm giày dép của thế giới.

Hiện tại ở Việt Nam có hơn 500 doanh nghiệp da giày xuất khẩu với sản lượng hàng năm đạt từ 400 - 500 triệu đôi giày. Năm 2013 kim ngạch xuất da giày và túi xách của Việt nam đạt 10,32 tỷ USD, trong đó riêng xuất khẩu giày dép đạt 8,4 tỷ USD. Việt nam là nước sản xuất giày đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau nhiều năm, ngành da giày Việt nam chủ yếu vẫn là sản xuất gia công, nhiều nguồn nguyên liệu, nhất là nguyên liệu làm mũi giày vẫn phải nhập khẩu, do đó làm giảm tính cạnh tranh các sản phẩm da giày của Việt nam so với các quốc gia trong khu vực. Đây cũng là thách thức lớn đối với ngành da giày Việt nam, bởi một khi TPP được thông qua sẽ có quy định bắt buộc về tỷ lệ nội địa hoá phụ liệu đối với sản phẩm giày để được hưởng ưu đãi về thuế suất. Ông Lê Quang Doãn, Giám đốc công ty da giày Minh Minh Diệu, cho rằng: “ Nguồn nguyên phụ liệu da giày rất quan trọng trong sản xuất. Tôi mong Nhà nước quan tâm hơn nữa đến chính sách để giúp đỡ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nguyên phụ liệu có khả năng phát triển và cạnh tranh về mặt chất lượng cũng như giá thành đối với nguồn nguyên phụ liệu nước ngoài. Trên cơ sở đó để đóng góp vào sản xuất giày dép trong nước và xuất khẩu một cách có hiệu quả”

Ngành da giày Việt nam có nhiều việc phải làm để phát triển bền vững, trong đó có bài toán giải quyết vấn đề thiếu nguyên liệu, mà quan trọng nhất là đẩy mạnh các khu công nghiệp, hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ ngành da giày nhằm tận dụng lợi thế mà Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP mang lại. Hiện nay, cả nước có 119 doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu và máy móc thiết bị trong ngành da giày, trong đó có 72 doanh nghiệp cổ phần tư nhân, 44 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu đã kiến nghị cần gắn kết hơn nữa giữa ngành sản xuất nguyên phụ liệu với các doanh nghiệp sản xuất da giày, túi xách thông qua hình thức kêu gọi các doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại. Ông Lê Quang Doãn, kiến nghị: “Chính phủ, Bộ công thương rồi Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Bắc và phía Nam nên tổ chức các Hội chợ về giày da mà phải là Hội chợ thực sự của người Việt nam, chứ không phải của người nước ngoài. Tổ chức được các hội chợ như thế để các nhà sản xuất nguyên phụ liệu và nhà sản xuất giày xuất khẩu  gặp nhau rồi  cũng đề nghị công ty sản xuất giày  ưu tiên sử dụng  hàng Việt để tạo nên tỷ lệ nội địa hoá cao  thì giá xuất khẩu mới có giá trị”

Ý thức được các khó khăn đang tồn tại, ngành da giày đã và đang đề ra các giải pháp phát triển phù hợp với điều kiện của Việt nam như: cơ cấu lại ngành công nghiệp da giày tăng cường chiều sâu, đầu tư hàm lượng chất xám vào các sản phẩm của mình, đồng thời, cố gắng tận dụng các lợi thế do điều kiện kinh doanh thuận lợi. Ông Trần Thanh Quang, thành viên của Hiệp hội da giày Việt nam, cho biết: “Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm đối tác ở Việt Nam vì thị trường ở Trung quốc người ta đã ngừng gia công và họ tìm đến với Việt Nam. Những năm gần đây, doanh nghiệp Việt Nam về chất lượng đã  được cải tiến nhiều, khả năng tiếp cận thị trường tốt mặc dù giá nhân công lao động bắt đầu đắt lên rồi chứ không như ngày xưa.”

Trong năm 2014, ngành da giày đã được đưa ra khỏi danh mục trưởng thành của EU và được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) trong thời gian ba năm kể từ ngày 1-1-2014. Theo đó, trong ba năm tới, mức thuế áp dụng cho sản phẩm giày dép có xuất xứ từ Việt Nam sẽ được giảm xuống còn từ 3,5-4% thay vì 13-14% như trước. Với những chuyển biến tích cực trên thị trường, các doanh nghiệp trong ngành cho rằng mục tiêu xuất khẩu của ngành da giày và túi xách trong năm 2014 có thể nằm trong tầm tay, đạt ít nhất là 12 tỉ USD./.

Phản hồi

Các tin/bài khác