(VOV5) - Hiện Việt Nam có 32 tỉnh phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm với 10.500 ha dâu, trong đó vùng Tây Nguyên chiếm 73%.
Ngày 16/10, tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức diễn đàn khuyến nông với chủ đề “Phát triển nuôi tằm bền vững theo hướng xuất khẩu".
Hiện Việt Nam có 32 tỉnh phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm với 10.500 ha dâu, trong đó vùng Tây Nguyên chiếm 73%. Năng suất dâu đạt 35 - 40 tấn/ha. Hiện sản lượng tơ tằm của Việt Nam đứng thứ 5 thế giới. Mặc dù có sự gia tăng về sản lượng tơ tằm nhưng mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hàng nghìn tấn tơ để gia công xuất khẩu.
Nhiều hội viên phụ nữ tại huyện Đam Rông đưa mô hình trồng dâu nuôi tằm vào sản xuất để phát triển kinh tế. -Ảnh: Đặng Tuấn/ TTXVN |
Tiến sĩ Lê Quang Tú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dâu Tằm Tơ Việt Nam, cho biết: Cần phải có những giải pháp kỹ thuật để giúp người nuôi tằm nâng cao chất lượng sản phẩm. "Trong tất cả thì giải pháp khoa học công nghệ là then chốt nhất, thực tế đã được chứng minh trong những năm qua và hiệu quả là ngành dâu tằm tơ đã được nâng lên rõ rệt. Cụ thể là là giống dâu cao sản đặc biệt những biện pháp canh tác dâu đặc biệt là khâu nuôi tằm hai giai đoạn, rồi có một số cải về dùng né gỗ, né đơn để mà lên nhờ đó đã nâng cao chất lượng tơ lên. Chính vì nâng cao chất lượng tơ thì nâng cao hiệu quả kinh tế của người trồng dâu nuôi tằm.
Tại Diễn đàn, các nhà khoa học, nhà quản lý và nông dân Tây Nguyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận tìm giải pháp khả thi để phát triển nuôi tằm bền vững theo hướng xuất khẩu. Diễn đàn cũng cung cấp, thảo luận các thông tin mới nhất về kết quả nghiên cứu, các tiến bộ kỹ thuật về giống, cách phòng trừ bệnh hại đối với dâu tằm tơ, vấn đề liên kết chuỗi trong sản xuất dâu, tằm tơ xuất khẩu.