(VOV5) - Du lịch biển đảo góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương, đảm bảo mục tiêu an ninh, quốc phòng.
Chiến lược kinh tế biển của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định du lịch biển đảo là ngành có vị trí quan trọng. Chiến lược dự đoán, đến năm 2020, du lịch biển đảo thu hút khoảng 22 triệu lượt khách quốc tế, 58 triệu lượt khách nội địa và tổng doanh thu từ lĩnh vực biển, đảo có thể đạt tới 200 nghìn tỷ đồng.
Vì vậy, để khai thác có hiệu quả ngành du lịch này, tiến tới, xây dựng và xác lập vị thế thương hiệu, biển đảo Việt Nam trên bản đồ quốc tế, đòi hỏi chính quyền mỗi địa phương cần chủ động và đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh đang có. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho biết: “Mỗi vùng, địa phương đều có lợi thế riêng, từ cảnh quan tự nhiên, giá trị sinh thái tự nhiên và cả lợi thế về văn hóa truyền thống vùng ven biển. Nếu chúng ta biết khai thác những lợi thế này, kể cả việc tổ chức các sự kiện du lịch ở vùng ven biển, kết hợp với những thành tựu ở địa phương thì hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt để thu hút khách du lịch”.
Bên cạnh đó, du lịch biển đảo góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương, đảm bảo mục tiêu an ninh, quốc phòng.