Phát triển kinh tế, đầu tư cho nông nghiệp: hai quan tâm lớn của đại biểu Quốc hội

(VOV5) - Tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và 3 năm nửa nhiệm kỳ 2011-2015 là nội dung thảo luận hôm nay của các đại biểu Quốc hội. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi.

Phát triển kinh tế, đầu tư cho nông nghiệp: hai quan tâm lớn của đại biểu Quốc hội - ảnh 1
Các đại biểu quốc hội quan tâm đến các giải pháp đầu tư cho nông nghiệp


Phát biểu thảo luận, các đại biểu ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô tuy nhiên cũng đi sâu phân tích về những khó khăn, hạn chế và đề xuất những giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng trong 2 năm tới.


Đánh giá về tình hình kinh tế -  xã hội năm 2013, theo nhiều đại biểu kết quả nổi bật nhất là tăng cường được các nhân tố ổn định vĩ mô. Điều này thể hiện rất rõ trong kiểm soát lạm phát, từng bước ổn định thị trường tiền tệ và kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, với nhận định tình hình kinh tế- xã hội sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn trong 2 năm tới, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát lại các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh nhất là khi niềm tin của thị trường chưa được phục hồi, xuất khẩu tăng nhưng khu vực kinh tế trong nước còn yếu trong cạnh tranh và ngân sách thâm hụt.


Về mục tiêu năm 2014, nhiều đại biểu hoan nghênh việc Chính phủ đề ra mục tiêu cho cả 2 năm tới, với 2 chỉ số quan trọng là tăng trưởng GDP bình quân 6%/năm và lạm phát mục tiêu ở mức 7%. Ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét: “Tôi rất đồng tình chuyển từ quan điểm kiềm chế lạm phát sang kiểm soát lạm phát mục tiêu. Đây là điểm rất quan trọng để điều hành trong thời gian tới. Trên tinh thần này tôi đồng ý là chúng ta không nóng vội vấn đề thúc đẩy tăng trưởng để gây lại lạm phát. Để làm việc này, về giải pháp, tôi đề nghị 2 việc. Thứ nhất, tôi đề nghị xử lý linh hoạt vấn đề tiền tệ, duy trì mức tăng tín dụng khoảng 14%  - 18% trong 2014 - 2015 và tiếp tục 5 lĩnh vực ưu tiên như Ngân hàng Nhà nước đang làm. Thứ hai, về chính sách tài khoá, trong điều hành chính sách cố gắng sử dụng hiệu quả nhất, làm sao toàn bộ dòng tiền ngân sách lưu thông được”.


Các đại biểu cũng đề nghị chính sách tiền tệ, tài khóa và lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ như điện, ga, xăng dầu phải đi liền với nhau; tán thành với việc phát hành 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, nới trần bội chi lên 5,3%GDP song làm thế nào để sử dụng nguồn vốn có hiệu quả là vấn đề mà Chính phủ cần hết sức lưu tâm.


Đối với vấn đề nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhiều ý kiến cho rằng tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn. Tốc độ tăng trưởng giảm từ 3,3% năm 2010 xuống còn 2,8% năm 2013. Diện tích đất sản xuất giảm nhanh. Từ thực tế trên, ông Trần Ngọc Vinh, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đề nghị: “ Đề nghị Chính phủ cần ưu tiên đầu tư hơn nữa để phát triển nông nghiệp , nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất, hướng tới mục tiêu nông nghiệp phát triển bền vững, khuyến khích nông dân sản xuất, đẩy mạnh việc sử dụng hiệu quả các vùng sản xuất chuyên canh, chăn nuôi quy mô lớn, hỗ trợ đầu tư đê sông ngăn mặn, nhân rộng mô hình cánh đầu mẫu lớn, hướng dẫn nông dân lựa chọn cây trồng, vật nuôi thích hợp”.


Tham gia báo cáo giải trình về một số nội dung được nhiều đại biểu đề cập, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: “Về quy hoạch đất lúa, chúng tôi đã tập trung xây dựng thông tư hướng dẫn bà con giữ đất lúa nhưng có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng để có thu nhập cao hơn. Về cá tra, chúng tôi đang điều chỉnh việc kinh doanh và xuất khẩu, ngăn chặn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, phá giá, phá uy tín. Về lâu dài, Bộ đang điều chỉnh quy hoạch và đã trình lên Chính phủ Nghị định quản lý, sản xuất  kinh doanh cá tra đồng thời phối hợp triển khai xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi ở trong lĩnh vực này….”.


Sáng mai, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và 3 năm nửa nhiệm kỳ 2011-2015. Phiên họp được phát thanh và truyền hình trực tiếp./. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác