Phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi phía Bắc cần nhanh và bền vững

(VOV5) - Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 37, nhiều lợi thế trong các ngành, lĩnh vực được phát huy; bản sắc văn hóa các dân tộc được giữ gìn và phát triển.

Chiều 16/11, tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến với 16 tỉnh khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ nhằm góp ý Báo cáo Tổng kết Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị khóa IX về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm Quốc phòng an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020”. Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị.

Phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi phía Bắc cần nhanh và bền vững - ảnh 1Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: laocai.gov.vn

Tại Hội nghị, đại diện các địa phương như Bắc Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Phú Thọ… đề xuất việc phát triển kinh tế vùng trung du, miền núi phía Bắc phải nhanh và bền vững. Trong đó, cần tập trung xác định thế mạnh của từng địa phương để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tổng thể vùng; ưu tiên phát triển thế mạnh của các địa phương để hình thành các tiểu vùng chuyên môn hóa sâu một số ngành, lĩnh vực, tạo ra các chuỗi liên kết, gắn kết các địa phương, tạo ra bức tranh thống nhất, có quan hệ hữu cơ của toàn vùng. Đại diện một số địa phương cũng đề nghị chú trọng đến việc phát triển kinh tế nhưng phải bảo đảm bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa từng địa phương; tập trung đẩy mạnh liên kết vùng gắn với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn;...

Ngày 01/07/2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 37 nhằm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020. Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết, nhiều lợi thế trong các ngành, lĩnh vực được phát huy; bản sắc văn hóa các dân tộc được giữ gìn và phát triển; đời sống của nhân dân trong vùng không ngừng được cải thiện.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác