(VOV5) - Trong buổi thảo luận sáng 2/6 tại hội trường về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và 4 tháng năm 2014, các đại biểu Quốc hội cho rằng thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nên tình hình kinh tế có dấu hiệu phục hồi . Tuy nhiên những nỗ lực để tăng tổng cầu kết quả còn hạn chế, niềm tin của thị trường chưa ổn định bên cạnh đó sự bất ổn tình hình biển Đông đang tác động bất lợi đến tâm lý thị trường.
|
Trong bối cảnh như vậy, các đại biểu cho rằng Chính phủ cần có quyết sách mạnh mẽ hơn để tăng tổng cầu nền kinh tế, khai thác triệt để dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều kiện lạm phát thấp, phấn đấu từ nay đến cuối năm phải đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu theo Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Nhiều đại biểu cũng cho rằng Việt Nam cần xây dựng nền kinh tế độc lập. Ông Huỳnh Nghĩa, đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, nêu ý kiến: Chính phủ cần quan tâm xây dựng nền kinh tế tự chủ trong thời kỳ mới, có biện pháp chủ động trong tìm kiếm thi trường xuất nhập khẩu đồng thời có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang vướng nợ bên cạnh đó cần củng cố niềm tin thị trường khuyến khích các doanh nghiệp thừa tiền yên tầm đầu tư. Những vấn đề này cần được chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Ngoài ra, trong giải quyết vấn đề nợ xấu, cần có chiến lược rõ ràng; sớm điều chỉnh gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng cho thị trường bất động sản; có chính sách đặc biệt hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá xa bờ, đảm bảo phát triển kinh tế biển.
Đề cập những chủ trương của Việt Nam trong việc mở rộng giao thương với các thị trường, tạo sự đột phá mới trong hoạt động ngoại thương, đồng thời từng bước có sự độc lập hơn về kinh tế, Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Từ nhiều năm trước Việt Nam đã có nhiều biện pháp để cải thiện cán cân thương mại. Hiện nay Việt Nam có nhiều thuận lợi khi các đối tác lớn đều quan tâm đến Việt Nam, mong muốn đàm phán và thỏa thuận Hiệp định hợp tác kinh tế thương mại với Việt Nam. Chúng ta đang chủ trương thúc đẩy mạnh hơn việc đàm phán này. Chúng ta đã ký kết 8 hiệp định thương mại tự do đồng thời đang đàm phán để ký kết 6 Hiệp định nữa, tạo thuận lợi thêm cho hàng hóa Việt Nam có thể xâm nhập vào các thị trường. Trong đàm phán 6 Hiệp định, Việt Nam phải thực hiện trên nguyên tắc các nước phải tôn trọng, không can thiệp vào thể chế chính trị của chúng ta. Các hiệp định phải cân bằng lợi ích nhưng phải tính đến chênh lệch về trình độ phát triển; đối với 1 số lĩnh vực Việt Nam còn yếu nhưng có tiềm năng thì phải yêu cầu đối tác cho Việt Nam có trình phù hợp, có thời gian thực hiện dần.
Cũng trong buổi thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu nhất trí dành ngân sách hỗ trợ cho cảnh sát biển và ngư dân để vươn khơi,bám biển; đề nghị chính phủ có giải pháp đủ mạnh và ưu tiên nguồn lực hơn nữa cho phát triển nông nghiệp. /.