(VOV5) -Hiệp định sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới, trải dài cả ba châu lục Á, Mỹ và Đại dương.
Ngày 8/3, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ chính thức ký kết, tại Chile với sự tham gia của Bộ trưởng 11 nước thành viên.
Hiệp định đầy tham vọng này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới, trải dài cả ba châu lục Á, Mỹ và Đại dương với một thị trường lên tới 463 triệu dân và GDP vào khoảng 10.000 tỷ USD (chiếm 13% GDP toàn cầu). Hiệp định mang lại nhiều cam kết quan trọng liên quan đến các rào cản phi thuế quan, lĩnh vực dịch vụ, đầu tư và một loạt các lĩnh vực khác.
Bộ trưởng Bộ Phụ trách đàm phán về CPTPP của Nhật Bản Motegi. - Ảnh: Kyodo/TTXVN |
CPTPP dù không có Mỹ nhưng vẫn là hiệp định tự do (FTA) thế hệ mới với chất lượng cao. Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết: "Trong bối cảnh mới khi có một quốc gia rút khỏi TPP 12, nhưng tất cả các quốc gia còn lại đều khẳng định quyết tâm và mong muốn tiếp tục con đường này. Chính vì vậy tính chất và chất lượng của hiệp định thể hiện qua 2 từ bổ sung “toàn diện” và “tiến bộ”, là điều mà tất cả các Bộ trưởng của TPP 11 thống nhất và muốn nhấn mạnh, coi đây là mục tiêu chung có tính bao trùm của hiệp định. Do đó, tên gọi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhận được sự đồng thuận rất cao.
Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi, người phụ trách đàm phán CPTPP của Nhật, cho rằng: "Châu Á – Thái Bình Dương là trung tâm kinh tế lớn của thế giới và chúng tôi mong muốn có thể thiết lập được luật chơi mới trong sân chơi rất quan trọng ở khu vực. Chính vì thế chúng tôi hy vọng rằng tự rất cả các cam kết và tham gia của các bên sẽ giải quyết được tất cả những thách thức."
Dự kiến CPTPP sẽ bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019, đem lại lợi ích cụ thể cho tất cả các nước tham gia. Với Việt Nam, CPTPP sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài. Phần quan trọng khác chính là việc giúp cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài.
Để không bỏ lỡ những cơ hội mà CPTPP mang lại, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Đối với Hiệp định CPTPP, yếu tố quan trọng trước hết là phải có một chương trình hành động mang tính tổng thể của đất nước, của nền kinh tế để chuẩn bị cho việc thực thi cam kết hội nhập. Chúng tôi sẽ trình kế hoạch hành động này lên Chính phủ để ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, chương trình hành động tổng thể này có sự tham gia của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội và người dân. Thứ hai là việc rà soát khung khổ pháp lý, “nội luật hóa” cam kết hội nhập trong khuôn khổ Hiệp định, cần làm liên tục ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Thứ ba là xác định rõ nhiệm vụ của từng bộ phận để có sự tham gia, mang tính chủ động."
Sau khi được ký kết, CPTPP sẽ trải qua các tiến trình pháp lý trong nước của từng quốc gia thành viên để có hiệu lực. Trước đó, ngày 6/3, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua việc ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.