(VOV5) - Chính phủ và các cơ quan quản lý năng lượng tại Việt Nam cũng đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của LNG đối với việc phát triển kinh tế trong nhiều năm tới.
Chiều nay (30/1), tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng phối hợp với Viện Đào tạo Tư vấn và Phát triển Kinh tế tổ chức hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp: Ứng dụng khí mới LNG, nền tảng cho lộ trình giảm phải thải khí nhà kính”.
LNG là khí thiên nhiên hóa lỏng được chuyển từ dạng khí sang dạng lỏng để thuận tiện cho quá trình vận chuyển. Theo đánh giá của các chuyên gia, LNG là nhiên liệu hóa thạch sạch, có hiệu quả kinh tế cao.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VOV5/Ngọc Anh |
Chính phủ và các cơ quan quản lý năng lượng tại Việt Nam cũng đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của LNG đối với việc phát triển kinh tế trong nhiều năm tới. Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ tổng hợp, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng: Khí LNG khá đắt. Nếu không có sự hỗ trợ sẽ dẫn đến chi phí năng lượng cao lên, khả năng tiếp cận năng lượng giảm đi, đồng thời ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế. Như vậy, cần có sự hỗ trợ, chia sẻ của cộng đồng quốc tế khi Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sử dụng năng lượng bằng khí LNG. Việt Nam kỳ vọng cộng đồng quốc tế hỗ trợ không chỉ bằng tài chính mà cần nhất là hỗ trợ tiếp cận các công nghệ. Công nghệ hiện đại mới giúp Việt Nam tự chủ, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Hiện nay, trên thế giới, LNG được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp: điện, sản xuất thép, kim loại… LNG cũng được sử dụng trong các phương tiện giao thông, cũng như cung cấp năng lượng cho các khách sạn, nhà hàng và các khu du lịch… Việt Nam đã đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Vì thế, sản xuất, sử dụng và tiêu thụ khí LNG là ưu tiên của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.