(VOV5) - “Những cơ hội tiềm năng đến từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs) và các hiệp định đầu tư song phương (BITs) có thể trở thành thách thức nếu Việt Nam không có các giải pháp chính sách liên quan để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước”.
Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo “Tác động của các hiệp định thương mại tự do và hiệp định đầu tư song phương tới các mục tiêu phát triển dài hạn của Việt Nam - Trường hợp của ngành chế biến thực phẩm và điện tử”, do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 29/6, tại Hà Nội.
Điện tử và chế biến thực phẩm là 2 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp điện tử trong nước chủ yếu mới tham gia vào giai đoạn sản xuất giản đơn như lắp ráp, đóng gói… và chưa thể tăng đóng góp vào giá trị gia tăng của sản phẩm cuối cùng. Hiện, Việt Nam đã có một số chính sách hỗ trợ 2 ngành này ở nhiều lĩnh vực và cấp độ khác nhau và có nhiều các giải pháp khác nhằm hỗ trợ ngành như hỗ trợ kỹ thuật, áp thuế thu nhập ưu đãi cho các dự án công nghệ cao; đào tạo và tập huấn cho lao động, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường.
|
Ảnh:baomoi.com |
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng Việt nam cần duy trì không gian chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các ngành chế biến thực phẩm và điện tử: Tất cả những hiệp định đều không cản trở nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp về mặt thông tin, về mặt xúc tiến thương mại đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo giáo dục, hỗ trợ trong nghiên cứu, triển khai… Nhiều chính sách khác mà chúng ta đã cam kết vẫn có thể cho phép hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong một chừng mực nhất định…