(VOV5) - Nghị quyết đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra mục tiêu phải hoàn thành 3.000 km cao tốc vào năm 2025 và 5.000 km cao tốc vào năm 2030.
Ngành giao thông vận tải đang triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm nay, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia. Mục tiêu là giải ngân trên 95% kế hoạch được giao. Cùng với ngành giao thông vận tải, các đơn vị thi công cũng đang nỗ lực phấn đấu để các công trình giao thông trọng điểm quốc gia về đích đúng hạn.
Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. Ảnh: tapchicongthuong |
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình thời tiết, biến đổi khí hậu khó lường, để chuẩn bị nguồn vật liệu đáp ứng nhu cầu đầu tư lớn, thời gian qua,ngành Giao thông Vận tải ưu tiên cao cho công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nguồn vật liệu “đầu vào”, đảm bảo tiến độ và chất lượng giải ngân các công trình giao thông trọng điểm.
Ông Nguyễn Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, cho biết: "Chúng tôi rút ra kinh nghiệm rằng các công đoạn về giá vật liệu, đảm bảo chất lượng vật liệu được kiểm soát sẽ là cơ sở hoàn thành các dự án theo đúng tiến độ yêu cầu. Trong quá trình thực hiện dự án, việc vào cuộc của chính quyền địa phương cũng có vai trò hết sức quan trọng."
Để hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao năm nay, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu thủ trưởng các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các cơ quan tham mưu triển khai với quyết tâm cao.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh: "Giải ngân là kết quả thi công ngoài hiện trường, kết quả của sự cải cách thể chế để tạo ra các dự án mang lại ý nghĩa kinh tế, xã hội. Do vậy, việc thi công muốn hoàn thành giải ngân thì tiến độ hiện trường phải đẩy nhanh lên. Công tác kiểm soát giải ngân hiện nay cũng rất chặt chẽ, do kho bạc nhà nước thực hiện. Hiện nay, kho bạc thực hiện thủ tục giải ngân rất nhanh chóng, kể cả thứ 7 cũng giải ngân khi đầy đủ các thủ tục, nhằm đáp ứng yêu cầu công việc chung."
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy. Ảnh: vov.vn |
Cùng với sự quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải, các ban quản lý dự án, đại diện chủ đầu tư cũng đang khẩn trương triển khai dự án theo kế hoạch được giao. Ông Vương Toàn Tuấn, Giám đốc điều hành dự án thuộc Công ty CP Đầu tư và xây dựng hạ tầng Khang Nguyên, đơn vị quản lý dự án Đường kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh với chiều dài hơn 40km có tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng (hơn 268 triệu USD), cho biết hiện khối lượng thực hiện đã đạt khoảng 80%.
"Ngay sau dịp nghỉ Tết, đơn vị đã huy động nhân công, thiết bị, vật tư để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thi công, góp phần đưa dự án về đích đúng tiến độ, dự kiến vào tháng 8 năm nay. Hiện, chúng tôi có 4 mũi thi công chính, gồm: thi công cọc khoan nhồi, thi công mố trụ, đúc dầm và lao dầm. Đồng thời đang triển khai mạnh mũi thi công dưới sông là khoan cọc nhồi, thi công các bệ dưới sông… Đây đều là những hạng mục rất quan trọng, góp phần đảm bảo tiến độ của dự án."
Ngay từ đầu năm, các nhà thầu đã tập trung nhân lực, phương tiện đồng loạt ra quân trên tinh thần khẩn trương để hoàn thành các gói thầu đảm bảo chất lượng, tiến độ được giao. Là nhà thầu tham gia nhiều dự án trọng điểm ngành Giao thông Vận tải, thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, cho biết đơn vị thi công đã huy động trang thiết bị, máy móc để tổ chức tăng ca liên tục, tổ chức nhiều mũi thi công cùng lúc: "Chúng tôi nhận thức rằng muốn thi công thành công các công trình trọng điểm như cao tốc, thì các doanh nghiệp, các nhà thầu phải có năng lực thực sự. Vì khi cần, có thể huy động tổng thể nguồn lực, thiết bị máy móc để đảm bảo tiến độ các dự án."
Nghị quyết đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra mục tiêu phải hoàn thành 3.000 km cao tốc vào năm 2025 và 5.000 km cao tốc vào năm 2030. Để thực hiện, ngành Giao thông vận tải, các địa phương, nhà thầu, đơn vị thi công đã và đang phát huy tinh thần tiến công, chủ động, tích cực, quyết liệt, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực cao nhất để hoàn thành các dự án trọng điểm theo kế hoạch, góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.