(VOV5) - Với cây gấc ở Long An, hiện tại và 5 năm, 10 năm nữa vẫn có thị trường tiêu thụ tốt.
Bà con Long An phấn khởi vì hiện nay giá trái gấc đang trồng tại đây tăng. Giá tăng một phần do người tiêu dùng có nhu cầu mua gấc để dùng ngày Tết, nhưng phần lớn hơn do nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đang muốn mua gấc để làm mỹ phẩm, dược phẩm. Nông dân trồng gấc Long An vui Tết không chỉ trong niềm vui nông sản được giá mà còn là đầu ra của nông sản đang rộng mở.
Vườn gấc chuẩn VietGAP của ông Đinh Văn Út, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: M.H. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ở thủ phủ của cây thanh long Long An, ông Đinh Văn Út, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành có 6 công đất trồng thanh long. Cách đây 3 năm, khi trái thanh long có chiều hướng khó tiêu thụ, ông Út tính đến chuyện chuyển đổi cây trồng. Nghĩ là làm, ông tìm xuống gặp các chuyên gia ở Viện cây ăn quả Miền Nam nhờ tư vấn, hỗ trợ. Từ kiến thức của các chuyên gia và sự nhạy bén của mình, ông Út về chặt thanh long, chia vườn ra làm 2 phần, phần trồng dừa giống Malaysia, phần trồng gấc. Ở vườn gấc, ban đầu ông trồng vài dây, quan sát và rút kinh nghiệm, rồi mới trồng đại trà và chỉ sau mấy tháng là những trái gấc đầu tiên cho thu hoạch.
Đến nay, 3 công gấc giống mới, chuẩn VietGAP của ông Út cho thu hoạch đều đặn hàng tuần, mỗi tuần hơn chục kilogram, bán với giá 25 ngàn đồng/kg tại vườn. Còn khi hợp tác xã có đơn đặt hàng, thì ông gom hái hàng trăm kilogram. Ông Út đã thành một “nông dân như chuyên gia” về cây gấc: “Năm 2020 thấy giá thanh long bấp bênh quá, tôi trở xuống Viện cây ăn quả Miền Nam tìm hiểu thì các kỹ sư ở đó tư vấn chuyển sang cây gấc. Từ khi trồng gấc thì tôi thấy hiệu quả hơn. Bà con muốn trồng gấc thì phải chịu đầu tư, phải lên mô, lên liếp cho đạt chuẩn. Bởi vì rễ gấc không chịu ngập nước nên đòi hỏi liếp trồng gấc phải cao, thoáng, rỏ phèn”.
Nông dân Hợp tác xã nông nghiệp Bình Tâm, thường xuyên trao đổi về trồng gấc. Ảnh: M.H. |
Xu hướng sản xuất và tiêu thụ nông sản tất yếu là nông dân phải liên kết với nhau, cho ra sản lượng lớn, đủ cho chế biến và xuất khẩu. Có như thế thì đầu ra cho nông sản mới ổn định, sản xuất mới bền vững. Nhiều nông dân trồng gấc vùng Hòa Phú - Châu Thành, Bình Tâm - Tân An của tỉnh Long An hiểu được điều đó, nên đã cùng tham gia vào Hợp tác xã nông nghiệp Bình Tâm. Vào hợp tác xã rồi, ai muốn trồng gấc và trồng bao nhiêu thì đăng ký với hợp tác xã để được cung ứng giống, phân bón, được hướng dẫn kỹ thuật và cuối cùng là bao tiêu sản phẩm.
Hợp tác xã nông nghiệp Bình Tâm hiện có 40 xã viên cùng hàng chục hộ tham gia trồng gấc dù không phải là xã viên và đã có 14ha gấc sau 3 năm kể từ khi bắt đầu trồng. Ông Dương Hoàng Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã cho biết: “Có những đối tác tự tìm tới mình, như doanh nghiệp từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, người ta sẵn sàng ký hợp đồng nhưng mình chưa đủ sản lượng để đáp ứng. Nếu như bà con thấy đây là tiềm năng mà mở rộng diện tích trồng thì mình mới có đủ sản lượng mình mới có thể nói chuyện với những đối tác lớn như vậy”.
Để cây gấc đi xa
Với nhiều loại cây nông nghiệp được trồng đại trà, lo lắng nhất của nông dân là đầu ra cho sản phẩm. Nhưng với cây gấc ở Long An thì hiện tại và 5 năm, 10 năm nữa vẫn có thị trường tiêu thụ tốt. Thêm vào đó, trồng gấc vốn đầu tư rất thấp, năm đầu tiên đã cho thu hoạch và tiếp sau đó năng suất ngày càng tăng. Thế nhưng, diện tích gấc tăng rất chậm và nhiều nông dân còn e ngại khi chuyển đổi cây trồng. Theo chuyên gia và cả những nông dân có kiến thức nhất định thì những người e ngại chủ yếu do chưa nắm được kỹ thuật canh tác cây trồng khá mới mẻ này. Ngay từ đầu nếu bắt tay vào trồng gấc, nông dân cần trồng theo chuẩn nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh Long An, cho rằng: “Cần nhận định là cây gấc không phải cây lương thực, gấc mang tính sản phẩm chế biến. Gấc có hàm lượng sinh tố A rất cao cho nên nghiêng về mỹ phẩm, dược liệu. Cho nên trồng gấc thì vấn đề thực hành nông nghiệp tốt, tức là GAP lại càng phải thực hiện nghiêm túc”.
Hiện nay, chính quyền xã Bình Tâm, thành phố Tân An - nơi đang có định hướng nông dân trồng gấc khá rõ và hiệu quả ở tỉnh Long An đang thực hiện song song hai việc. Đó là, thông qua hợp tác xã và các chuyên gia để hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật để nông dân trồng gấc thành công, mở rộng diện tích gấc, đồng thời cùng với Sở Khoa học Công nghệ Long An tiến hành xây dựng đề án chiết xuất tinh dầu gấc. Nếu đề án này hoàn thành và đi vào hoạt động thì cây gấc càng ổn định đầu ra, giảm xuất gấc thô như hiện nay, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Trần Thanh Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tâm, thành phố Tân An cho biết thêm: “Vừa rồi UBND xã phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ làm đề tài tinh chiết tinh dầu gấc và đã được thông qua. Thời gian tới hợp tác xã cần phát triển diện tích lên 20ha gấc để đảm bảo nguyên liệu cho chiết xuất. Tới đây nếu phát triển, giá cả ổn định thì gấc sẽ trồng quy mô hơn nữa.
Cây gấc được trồng ở Long An đang một lần nữa khẳng định, sản xuất nông nghiệp thuận theo điều kiện tự nhiên và đáp ứng nhu cầu của thị trường thì nhất định sẽ có hiệu quả. Muốn làm được như vậy, nông dân cần năng động hơn trong nắm bắt xu hướng tiêu thụ nông sản, chủ động tìm hiểu cây trồng vật nuôi phù hợp, học hỏi kỹ thuật và mạnh dạn chuyển đổi. Chính quyền và ngành chức năng hỗ trợ, định hướng cả đầu vào và đầu ra để sản xuất ổn định, phát triển.