(VOV5) - Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh ưu tiên đa dạng hóa thị trường là bước đi sống còn trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19
Tiềm năng của thị trường 1,4 tỷ người và sự tương thích về cung – cầu chính là cơ hội để Việt Nam và Ấn Độ đẩy mạnh giao thương về nông sản và thực phẩm chế biến, đặc biệt là giai đoạn sau khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi.
Đây chính là nội dung của cuộc hội thảo trực tuyến “Việt Nam – Ấn Độ: Xúc tiến thương mại Nông sản & Thực phẩm chế biến” do Cục Xúc tiến Thương mại, bộ Công thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Các nhà nhập khẩu Ấn Độ tổ chức ngày 7/5 nhằm kết nối các cơ hội hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước giai đoạn tới.
|
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh ưu tiên đa dạng hóa thị trường là bước đi sống còn trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19: “Bài học rút ra từ đại dịch đó là chúng ta phải đa dạng không chỉ nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho chúng ta mà còn phải đa dạng hóa cả thị trường. Chúng ta phải nghĩ tới các thị trường khác để thay thế mỗi khi có vấn đề như là dịch xảy ra. Ấn Độ là thị trường với sức mua ngày càng tăng và họ có nhu cầu với thực phẩm của Việt Nam.”
Trong bối cảnh các hoạt động giao thương quốc tế gặp rất nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19, các nhà nhập khẩu Ấn Độ đang quan tâm tới thị trường Việt Nam, nơi đã kiểm soát được dịch bệnh và bắt đầu quay trở lại với trạng thái bình thường. Ngoài ra, các sản phẩm nông sản Việt Nam như hương liệu thực phẩm, thanh long, ca-phê, ca-cao, thủy sản… từ lâu đã được người tiêu dùng Ấn Độ đánh giá cao.