(VOV5) - Kinh tế Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á trong năm ngoái với mức tăng 8%.
Đây là tiêu đề của bài viết trên Báo Financial Times (Anh) số ra mới đây khi nhận định về sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Financial Times nhận định sau nhiều thập niên, kinh tế Việt Nam đang chuyển mình và hướng đến một sự thịnh vượng lâu dài.
Bài về kinh tế Việt Nam được đăng trên Báo Financial Times (Anh), ngày 9/7/2023 - Ảnh chụp màn hình |
Financial Times cho biết: Kinh tế Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á trong năm ngoái với mức tăng 8% và là một trong số ít nền kinh tế trên toàn cầu đạt được mức tăng trưởng dương hai năm liên tiếp kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Có được kết qủa này là nhờ từ năm 1980, Chính phủ Việt Nam đã chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang mô hình kinh tế thị trường cởi mở hơn. Nhờ lực lượng lao động trẻ, giá rẻ và có tay nghề tốt, Việt Nam đã thu hút nhiều nhà sản xuất nước ngoài. Năm ngoái, Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt trên 27,7 tỷ USD. Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới, như: Dell, Google, Microsoft và Apple đã đầu tư nhiều nhà máy tại Việt Nam. Financial Times nhấn mạnh: Ban đầu, các mặt hàng "Made in Vietnam" chỉ là quần áo, giày dép, nhưng hiện tại Việt Nam đã trở thành nơi sản xuất các thiết bị điện tử cao cấp, như: AirPod của Apple. Các doanh nghiệp nước ngoài đã nắm bắt cơ hội để đa dạng hóa chuỗi cung ứng khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.
Tăng trưởng của Việt Nam tăng nhanh dựa vào xuất khẩu, giúp đời sống kinh tế-xã hội của người dân ngày càng được nâng cao... Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là nền kinh tế Việt Nam đang ở thời điểm quyết định để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Trong ngắn hạn, để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, Việt Nam đã củng cố môi trường kinh doanh. Về lâu dài, chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh tận dụng lợi thế tăng trưởng sản xuất để đa dạng hóa nền kinh tế.
Financial Times cho rằng thập kỷ tới, Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong kế hoạch kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài. Lợi thế nhân khẩu học trẻ mang lại lực lượng lao động dồi dào nhưng trước yêu cầu về tay nghề đang ngày càng tăng lên, đòi hỏi Việt Nam phải cải thiện công tác đào tạo nghề. Theo thời gian, Việt Nam cần tái đầu tư để hỗ trợ phát triển các ngành lao động giàu chất xám và năng suất hơn nhằm đáp ứng mục tiêu trở thành nước thu nhập cao.
Financial Times nhấn mạnh: Các nhà đầu tư nước ngoài đang rất phấn khích về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Và Việt Nam cũng đang nỗ lực để hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư, biến xu hướng “giảm thiểu rủi ro” hiện nay thành sự thịnh vượng lâu dài cho đất nước và các đối tác quốc tế.