Thu hút lao động quay trở lại làm việc tại vùng kinh tế trọng điểm

(VOV5) - Tại nhiều doanh nghiệp, giải pháp trước mắt là tập trung đào tạo cho người lao động có kỹ năng nghề cung ứng cho doanh nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Số lao động những tháng đầu năm nay tăng trở lại với 50 triệu người có việc làm. Nhiều giải pháp đã được các địa phương, doanh nghiệp đề ra để đảm bảo thu nhập, đời sống của người lao động nhằm thu hút người lao động quay trở lại làm việc tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Thu hút lao động quay trở lại làm việc tại vùng kinh tế trọng điểm - ảnh 1Số lao động những tháng đầu năm nay tăng trở lại với 50 triệu người có việc làm - Ảnh: VOV

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, thị trường lao động những tháng đầu năm nay đã có những tín hiệu khởi sắc. Tại các địa phương nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là gần 1,3 triệu lao động. Tuy nhiên, tại một số địa bàn, khu vực, vẫn thiếu hụt khoảng 120 nghìn lao động.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại một số khu vực kinh tế trọng điểm, cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, kết nối cung cầu lao động giữa các địa phương: "Tôi cho rằng cần triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động kịp thời, đúng đối tượng để thu hút lao động quay trở lại thị trường. Tổ chức phối hợp thông tin giữa các địa phương, trong công tác hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc. Tạo điều kiện cho người lao động di chuyển, hỗ trợ chi phí sinh hoạt ban đầu cho người lao động để thu hút hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh quay trở lại thị trường lao động".

Tại nhiều doanh nghiệp, giải pháp trước mắt là tập trung đào tạo cho người lao động có kỹ năng nghề cung ứng cho doanh nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, lựa chọn những nghề có nguy cơ thiếu hụt để đào tạo…

Thu hút lao động quay trở lại làm việc tại vùng kinh tế trọng điểm - ảnh 2Người lao động thực hiện hoạt động tư vấn sức khỏe ban đầu - Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN

Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Trần Thị Lan Anh cho rằng: "Đến thời điểm này, chủ yếu là thiếu lao động có kỹ năng. Doanh nghiệp rất muốn giữ chân lực lượng lao động này bằng cách tăng lương sau Tết Nguyên đán 5-8%. Đồng thời có phụ cấp xăng xe, ăn trưa, đặc biệt là cho lao động có thâm niên để lao động có tay nghề, đã được đào tạo nhiều tiếp tục làm việc với doanh nghiệp".

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng các địa phương và doanh nghiệp cũng cần có biện pháp căn bản, dài hạn về chính sách nhà ở cho công nhân để thu hút người lao động quay trở lại làm việc. "Tôi nghĩ là cần ban hành các chính sách để thu hút lao động tới làm việc ở vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có chính sách nhà ở. Qua dịch Covid-19, chúng ta thấy nhà ở là vấn đề vô cùng quan trọng. Vừa rồi giá thuê nhà lại tăng. Nên công nhân có người e ngại nên chính sách này rất quan trọng. Bên cạnh đó, bố trí nơi ở, nơi học tập cho con họ, nhất là các trường công để giảm chi phí gửi con" - ông Hiểu nói.

Hội Đồng tiền lương Quốc gia vừa chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng thêm 6%, vì vậy, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần sớm trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết về tiền lương tối thiểu vùng năm 2022. Qua đó giúp cải thiện mức sống của người thu nhập thấp, lao động phổ thông, bảo đảm quyền lợi của người lao động cũng như các doanh nghiệp.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác