Tiếp tục chương trình thăm chính thức Đan Mạch và dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất Diễn đàn hợp tác cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu (gọi tắt là P4G), trưa nay theo giờ địa phương, tức chiều nay theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc tọa đàm, đối thoại với khoảng 20 doanh nghiệp hàng đầu Đan Mạch.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Liên đoàn công nghiệp Đan Mạch tổ chức buổi tọa đàm này, thúc đẩy doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư kinh doanh.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cap Việt Nam đã có cuộc tọa đàm, đối thoại với khoảng 20 doanh nghiệp hàng đầu Đan Mạch. |
Tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông tin đến các nhà đầu tư Đan Mạch về tiềm năng và cơ hội đầu tư tại Việt Nam, như kinh tế liên tục tăng trưởng và năm nay đạt khoảng 7%. Việt Nam sẽ duy trì đà tăng trưởng này để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Với thị trường lớn với gần 100 triệu dân, 65% lao động của Việt Nam là lao động trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, tỷ lệ người dân sử dụng internet và điện thoại thông minh lớn, mở ra cơ hội lớn cho thương mại điện tử.
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã và sắp ký kết, mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư Đan Mạch. Nêu một số tiềm năng của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các doanh nghiệp Đan Mạch thúc đẩy đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam.
“Chúng tôi đang có lợi thế về khả năng cung cấp một lực lượng lao động trẻ dồi dào có chất lượng với chi phí cạnh tranh. Tầng lớp trung lưu tăng nhanh hiện chiếm trên 14% dân số và dự báo 2018 GDP Việt Nam tăng khoảng 7%. Tôi rất vui mừng tọa đàm với các doanh nghiệp Đan Mạch, cùng các bạn chia sẻ những ý tưởng, các giải pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam-Đan Mạch trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Và trước hết tôi mong các doanh nghiệp Đan Mạch hãy sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trở thành cầu nối củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác hai bên”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Thủ tướng nhấn mạnh, sau 5 năm triển khai quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Đan Mạch, kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng, đạt trên 664 triệu USD, hiện có có trên 130 doanh nghiệp Đan Mạch đang hoạt động tại Việt Nam. Song, những kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác và quan hệ hai nước.
|
doanh nghiệp hàng đầu Đan Mạch |
Do đó, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp hàng đầu Đan Mạch chủ động tích cực hơn nữa để mở rộng đầu tư giao thương ở Việt Nam, trong đó có lĩnh vực vận tải biển, xây dựng cảng biển, đóng tàu, chế tạo thiết bị năng lượng, năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, chăn nuôi, thủy sản bền vững, chế biến thực phẩm, công nghiệp dược, y tế và giáo dục, kể cả xây dựng thành phố thông minh.
Về Hiệp định thương mại Việt Nam-EU, Thủ tướng đề nghị: “Nhân dịp này tôi đề nghị Liên đoàn công nghiệp Đan Mạch cùng cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ và thúc đẩy hai bên Việt Nam-EU sớm ký phê chuẩn hiệp định thương mại EVFTA và PVA. Trên cơ sở đó chúng ta quyết tâm hợp tác thực thi các hiệp định quan trọng này một cách hiệu quả để tạo nên câu chuyện “nàng tiên cá thần tiên mới” mới về sự thành công, hướng tới sự thịnh vượng chung của mọi người dân”.
Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp Đan Mạch trong lĩnh vực năng lượng, thực phẩm, nước sạch, công nghệ, cảng biển...vui mừng được đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ ngành.
Theo đó, các lĩnh vực các doanh nghiệp quan tâm muốn được giải đáp, đó là tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước và khả năng tham gia của các nhà đầu tư Đan Mạch; việc quản lý nguồn nước và cấp nước sạch tại các đô thị và cơ hội của nhà đầu tư tham gia.
Cho biết tại Việt Nam, tỷ lệ thất thoát nước còn lớn, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Đan Mạch bằng công nghệ hiện đại của mình, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, giúp người dân các tỉnh, thành phố Việt Nam được sử dụng nước sạch theo hướng hiệu quả và thông minh hơn.
Để nhà đầu tư Đan Mạch hiểu rõ hơn về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời về vấn đề này.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, tiềm năng để các công ty hoạt động trong lĩnh vực nước ở Việt Nam còn rất lớn, vì Việt Nam là nước có 100 triệu dân, với tốc độ đô thị hóa mới chỉ đạt khoảng 40%, nhu cầu sử dụng nước sạch vùng nông thôn và đô thị Việt Nam rất lớn.
“Với mục tiêu của Việt Nam một người dân đô thị có 100 lít nước/ngày thì con số này còn xa mới đáp ứng được. 60% khu vực nông thôn Việt Nam cũng rất cần nước sách. Do đó tiềm năng cho các doanh nghiệp Đan Mạch hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn rất lớn”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói.
Về hoạt động cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là chủ trương lớn của Việt Nam và mong muốn huy động các nguồn lực đầu tư từ các nhà đầu tư Đang Mạch, cả về công nghệ, vốn, mô hình quản trị, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cũng như mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Đan Mạch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã giao Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Anh, trả lời các nội dung, câu hỏi nhà đầu tư Đan Mạch đặt ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao ý tưởng của nhà đầu tư Đan Mạch trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đề nghị Việt Nam tổ chức một hội nghị lớn trong lĩnh vực phát triển cảng biển, để thu hút các nhà đầu tư Đan Mạch.
Trong lĩnh vực năng lượng sách, ông Ask Moller – Nielsen, lãnh đạo Tập đoàn Grunfos, Đan Mạch cho biết, doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, nước sạch và quan tâm đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hướng tới sử dụng năng lượng hiệu quả ở Việt Nam. Do đó, ông mong muốn các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực này thuận lợi hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư.
Tán thành với nhu cầu này của doanh nghiệp Đan Mạch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trao đổi với doanh nghiệp về nội dung này. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam chủ trương phát triển năng lượng sạch và đảm bảo phát triển xanh.
Mới đây Thủ tướng đã thông qua cơ chế ưu đãi thông qua mua giá điện gió của các nhà đầu tư với mức 8,7 cent/kwh, mức giá ấn tượng đối với các nhà đầu tư.
Việt Nam đang tập trung quy hoạch điện gió toàn quốc và Bộ Công thương đang khẩn trương xây dựng để cuối tháng 11 này ban hành thông tư hướng dẫn các dự án đầu tư vào điện gió dựa trên Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giá điện gió đã có ưu đãi. Đây là cơ sở ưu đãi quan trọng cho các nhà đầu tư.
Trong khuôn khổ các hoạt động của doanh nghiệp và tại buổi đối thoại này, đã có một số biên bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ, hàng hải, logistic…được doanh nghiệp và cơ quan hai nước kiểm soát ký ký kết.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đã ký Thỏa thuận hợp tác với Liên đoàn công nghiệp Đan Mạch nhằm xây dựng các dự án, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hai bên trong quá trình kinh doanh đầu tư.