(VOV5) - Thủ tướng nhấn mạnh việc kết nối giao thông Bình Phước đến sân bay Long Thành và kết nối đường sắt từ Bình Phước đến các cảng, từ đó tạo cú huých lớn cho Bình Phước trong tương lai.
Sáng 20/8, tại thị xã Đồng Xoài, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tình Bình Phước. Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn đầu tiên được tổ chức sau khi kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
|
Bình Phước có 8 Khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng đã đi vào hoạt động và dự kiến đến năm 2020 tỉnh sẽ có 13 Khu công nghiệp với tổng diện tích gần 4.700 ha, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư với tổng diện tích trên 28.000 ha. Tỉnh cũng có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch với Khu di tích quốc gia đặc biệt căn cứ bộ chỉ huy Miền Tà Thiết và đặc biệt là các tuyến du lịch từ Bình Phước đến một số địa phương của Campuchia, Lào, Thái Lan. Trên cơ sở các thế mạnh đó, Bình Phước tập trung thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; các dự án chế biến nông, lâm sản như cao su, điều, tiêu, cây ăn trái.
Tại Hội nghị này, UBND tỉnh Bình Phước đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 315 triệu USD và 14 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 18.800 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng địa kinh tế của Bình Phước cho thấy tỉnh có điều kiện kinh doanh thuận lợi, nhất là tiềm năng hợp tác quốc tế, sự thuận lợi giao thông. Thủ tướng giao nhiệm cho Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu khả năng kết nối giao thông Bình Phước đến sân bay Long Thành và kết nối đường sắt từ Bình Phước đến các cảng, từ đó tạo cú huých lớn cho Bình Phước trong tương lai.
Thủ tướng chứng kiến Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại hội nghị
|
Cùng với các lợi thế đó, để thu hút được các nhà đầu tư lớn, Thủ tướng cho rằng: “Một địa phương như Bình Phước muốn thu hút những nhà đầu tư lớn, những “đại bàng” về đây làm tổ, ngoài những lợi thế quan trọng về địa chiến lược, về điều kiện tự nhiên, khí hậu, địa lý, đất đai, tài nguyên... nhân tố con người, đặc biệt là quyết tâm hành động của các cấp chính quyền của Bình Phước có ý nghĩa quyết định”.
Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Bình Phước tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, phấn đấu đến năm 2020, Bình Phước tăng gấp đôi số doanh nghiệp so với hiện nay, lên khoảng 10.000 doanh nghiệp và tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người. Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi đặc biệt khuyến khích những ý tưởng của tỉnh Bình Phước như tổ thu hút đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; lãnh đạo tỉnh hàng tháng gặp gỡ, tiếp xúc, qua đó, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Không chỉ vậy, tỉnh cần đề cao tinh thần đối thoại, phản biện với doanh nghiệp và thúc đẩy những đột phá mới về chủ trương, chính sách, mô hình phát triển… Phải ý ý thức về những lợi thế còn còn ở dạng tiềm năng như du lịch, để có phương án thu hút đầu tư, biến tiềm năng thành hiện thực. Ngoài những địa chỉ du lịch văn hóa và lịch sử, Bình Phước có nhiều nơi đẹp như vườn quốc gia, hồ Suối Lam, Thác Đứng. Cửa khẩu Hoa Lư có tiềm năng trở thành cửa khẩu du lịch của ASEAN lục địa, là nơi giao thương, giao lưu văn hóa và cả tình hữu nghị giữa Việt Nam và phần còn lại của ASEAN lục địa”.
Thủ tướng lưu ý các cấp, các ngành ở địa phương tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh cần quan tâm nghiêm túc hơn nữa đến việc xây dựng thương hiệu, nhất là với những sản phẩm nổi tiếng của địa phương như cà phê, hạt điều.