Thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phát triển bền vững

(VOV5) - Tại Việt Nam, khối doanh nghiệp xuất khẩu có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (Doanh nghiệp FDI) hiện là khối doanh nghiệp đóng góp lớn vào sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên để kinh tế phát triển bền vững, Việt Nam đang có những chính sách giúp doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, mang thương hiệu Việt Nam lớn mạnh. 


Thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phát triển bền vững - ảnh 1
Khối doanh nghiệp FDI đóng góp lớn vào sự phát triển của nền kinh tế. (Ảnh minh họa: doanhnghiepvn.vn)




Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Qua 10 tháng của năm 2016, các doanh nghiệp FDI xuất khẩu đạt giá trị hơn 100 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2015, chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Những đóng góp này giúp Việt Nam xuất siêu khoảng 3,52 tỷ USD trong 10 tháng qua, đồng thời giảm tỷ lệ nhập siêu, cán cân thương mại giữa xuất và nhập tương đối cân đối, đảm bảo tính hài hòa của nền kinh tế. Thời gian tới, khi hàng loạt hiệp định thương mại đã ký kết có hiệu lực sẽ thu hút nguồn đầu tư lớn vào Việt Nam. Đây được coi là cơ hội để thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, cũng đặt ra những thách thức cho những doanh nghiệp Việt Nam trong việc bắt nhịp, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và xuất khẩu. Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng: Doanh nghiệp trong nước phải lấy doanh nghiệp FDI làm động lực để phát triển. Từ đó hạn chế đến mức thấp nhất sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài để phát triển, đảm bảo tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế đất nước: "Vai trò của FDI đối với xuất khẩu, công nghiệp của Việt Nam rất quan trọng. Điều đó có 2 mặt rất tích cực, nhờ có FDI làm động lực chúng ta mới giữ được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu như vậy, nhờ đó ta mới có thể có được khả năng phát triển  hơn nữa và nền kinh tế nói chung thông qua xuất khẩu. Tới đây, một mặt chúng ta vẫn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu và sản xuất nhất là công nghiệp, nông nghiệp, mặt khác phải cố gắng đẩy hơn nữa sự đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất trong nước trong việc sản xuất, xuất khẩu".

Không thể phủ nhận những yếu tố tích cực của các doanh nghiệp FDI mang lại nhưng để kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng, về lâu dài cần tránh sự phục thuộc vào khối doanh nghiệp này. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Việt Nam cần tạo lực đẩy đồng bộ giúp khu vực doanh nghiệp trong nước mạnh lên, từ đó kết nối được với doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt phải đổi mới, tìm hướng đi, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các đối tác nước ngoài cũng như đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh hội nhập hiện nay: "Khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nếu chúng ta khai thác tốt sẽ trở thành một trong những trụ cột, một trong những nền tảng để kinh tế đất nước phát triển theo, phát triển tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Như vậy sẽ tạo ra hệ thống chân rết phát triển bền vững. Về vấn đề ô nhiễm môi trường, các tranh chấp lao động xã hội…. đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước, hệ thống luật pháp phải hoàn thiện để ngăn chặn các nguy cơ này cũng như để định hướng các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các hoạt động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đúng mục tiêu đặt ra, từ đó sẽ giảm bớt những áp lực không bền vững".

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là xu thế chung của các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã và đang giữ một vị thế quan trọng trong nền kinh tế. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài, cho rằng để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, cần hoàn thiện việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo đúng mục tiêu chiến lược. Từ đó có những chính sách ổn định, hài hòa cho sự phát triển, liên kết của hai khối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI: "Nếu doanh nghiệp FDI làm ăn lâu dài ở Việt Nam mà tính lan tỏa của các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước phát huy tốt, các doanh nghiệp trong nước cùng các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thì sẽ rất tốt. Nhưng ngược lại, nếu các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài  vào Việt Nam mà tính lan tỏa với các doanh nghiệp trong nước thấp, các doanh nghiệp trong nước không tham gia được vào chuỗi giá trị hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đáng kể thì điều đó không có giá trị đối với việc chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam".

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã và đang trở thành nguồn lực không thể thiếu cho phát triển kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, Việt Nam nên có sự điều chỉnh chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đồng thời chủ động phát huy sức mạnh nội lực, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển, tạo động lực mới cho nền kinh tế đất nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác