(VOV5) - Kênh thương mại điện tử đã và đang được tỉnh Hưng Yên cùng các bộ, ngành liên quan tập trung phát triển nhằm đưa quả nhãn đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Tỉnh Hưng Yên, nổi tiếng với thương hiệu nhãn lồng, một loại quả được thị trường trong nước và nước ngoài ưa chuộng. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho xuất khẩu nhãn… thì kênh thương mại điện tử đã và đang được tỉnh Hưng Yên cùng các bộ, ngành liên quan tập trung phát triển nhằm đưa quả nhãn đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Ngày 15/7 vừa qua, một hội nghị quốc tế lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh Hưng Yên đã diễn ra để kết nối cung cầu, tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên nhằm thúc đẩy các cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư, xúc tiến tiêu thụ, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu cho quả nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên.
Trên 80 điểm cầu của các cơ quan đại diện ngoại giao, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức xúc tiến thương mại, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các tỉnh, thành trong nước cùng hàng trăm điểm cầu liên kết khác trong và ngoài nước của các doanh nghiệp, nhà phân phối trong và ngoài nước tham gia.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cho biết: "Tham gia vào hội nghị kết nối này ở phía trong nước còn có các sàn thương mại điện tử. Chúng tôi đã kết nối và mời được 5 sàn thương mại điện tử sẽ tham gia phối hợp với tỉnh Hưng Yên và Bộ Công thương, các đơn vị liên quan của Bộ Công thương để giúp kết nối tiêu thụ nhãn các sản phẩm nhãn cũng như các nông sản khác trên các sàn thương mại điện tử. Có thể nói, việc tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử này là một kênh tiêu thụ, phân phối sản phẩm nhãn hiện đại để quảng bá tốt hơn hình ảnh quả nhãn của Hưng Yên tới thị trường trong nước, thậm chí là thị trường quốc tế".
Nhãn tươi của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Australia nhiều năm nay |
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng mạnh tới một số tỉnh có các sản phẩm nông sản trái cây, trong đó có Hưng Yên. Tuy nhiên, sự thành công của xúc tiến thương mại mặt hàng quả Vải của tỉnh Hải Dương trước đó, là động lực để Bộ Công Thương, tỉnh Hưng Yên mạnh dạn đưa quả nhãn cũng nhiều loại nông sản lên sàn điện tử và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại.
Ông Vũ Bá Phú cho biết thêm: "Kênh phân phối hiện đại đó là thương mại điện tử cũng góp phần quan trọng. Mặc dù là sản lượng tiêu thụ không lớn, chỉ khoảng độ 6.000 tấn trên tổng số 215.000 tấn quả vải của Bắc Giang thôi. Tuy nhiên thì đó cũng là phương tiện, là một kênh để quảng bá truyền thông trái cây đặc sản của các vùng miền, của địa phương rất là hiệu quả. Chính vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng trong tương lai việc phối hợp, kết hợp tiêu thụ nông sản trái cây trên các sàn thương mại điện tử cũng sẽ là một kênh rất hiệu quả đối với thị trường đầu ra cho nông sản".
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng thương mại điện tử trong xuất khẩu trực tiếp phối hợp với nền tảng thương mại điện tử là giải pháp hữu hiệu, góp phần đảm bảo đầu ra cho nông sản.