(VOV5) - Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm (tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu thụ nội địa, tăng tốc giải ngân đầu tư công) được thành phố Hồ Chí Minh đẩy mảnh để thay đổi cục diện tăng trưởng kinh tế thành phố. Thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ảnh minh họa: vov.vn |
Ông Huỳnh Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Sản Xuất - Thương Mại Vĩ Nam Việt (VINAVIT), ở Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Từ cuối năm ngoái đến nay, giá trị sản xuất của doanh nghiệp giảm gần 40%. Nguyên nhân do thị trường xuất khẩu sụt giảm đơn hàng. Doanh nghiệp mong Chính phủ và thành phố có những chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn: "Chúng tôi rất mong Thành phố có chính sách hỗ trợ nhanh, phân loại nhóm ngành, nhóm doanh nghiệp nằm trong nhóm đó và nhóm nào bị nặng hơn phải hỗ trợ nhiều hơn, nhanh hơn".
Theo các Hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố cần có chính sách hỗ trợ dài hơi để giúp doanh nghiệp, như: đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư công, vực dậy thị trường bất động sản; hỗ trợ xúc tiến thương mại vào các thị trường xuất khẩu. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, Thành phố sẽ tổ chức hội chợ Xuất Khẩu năm 2023. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu: "Chúng tôi tập trung giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi hơn. Chúng tôi đi tìm những thị trường mới. Về định hướng và thị trường xuất khẩu thì Bộ Công thương có hướng dẫn, tuy nhiên, chúng tôi có thể chọn những thị trường mà doanh nghiệp còn dư địa để phát triển. Thành phố có thể tổ chức các đoàn đi xúc tiến thương mại, Thành phố có thể trợ lực cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu".
Hiện, ngành ngân hàng liên tục giảm lãi suất cho vay cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Đây là một tín hiệu tích cực, bởi nhiều doanh nghiệp đang cần nguồn vốn lưu động để giải quyết thanh khoản. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: "Chúng tôi mong ngân hàng có thể chấp nhận thế chấp bằng vật tư nguyên liệu và các thành phẩm, các hàng tồn kho. Còn những khoản nợ tới hạn thanh toán thì ngân hàng có thể xem xét hoãn nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp".
Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước. Việc thành phố tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là điều kiện cần thiết để vực dậy tăng trưởng của kinh tế thành phố nói riêng và cả nước nói chung.