(VOV5) - Nhờ nỗ lực chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được kết nối, giúp công tác thống kê, báo cáo, quản lý thông tin từng ngành, từng lĩnh vực được dễ dàng.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, các địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Nam, đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số. Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 lọt vào top 20/63 tỉnh, thành phố có mức độ chuyển đổi số cao nhất.
Chuyên trang tuyên truyền Chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam. Ảnh chụp màn hình |
Để chuyển đổi số, tỉnh Quảng Nam đã triển khai đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các ứng dụng dùng chung tạo nền tảng để hình thành Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai thử nghiệm Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) Quảng Nam với 11 phân hệ tích hợp, như: giám sát, điều hành kinh tế - xã hội; giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền; giám sát, điều hành lĩnh vực giáo dục; giám sát thông tin trên môi trường mạng...
Tỉnh thực hiện đồng bộ chuyển đổi số trên toàn tỉnh. Mỗi huyện, thị xã, thành phố chủ động lựa chọn một đơn vị cấp xã để triển khai thử nghiệm công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân. Ông Phạm Hồng Quảng, Giám đốc Sở thông tin Truyền thông tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Ở Quảng Nam có cách tiếp cận có thể nói là khác với các địa phương khác là tiếp cận theo cách từ trên xuống và từ dưới lên. Từ trên xuống là các chủ trương, chính sách, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Thông tin Truyền thông còn ở dưới lên là những yêu cầu trực tiếp của người dân, các cơ quan đơn vị cấp dưới như cấp xã, cấp huyện khi có nhu cầu là triển khai trực tiếp nhưng với điều kiện là phải đi theo một bài bản là có liên thông, tầm nhìn phải dài hạn. Ít nhất phải cho người dân tiếp cận được dịch vụ công giống như mua bán online. Đó mới gọi là chuyển đổi số thực thụ. Để làm việc đó không chỉ cần công nghệ mà cần đi từ cơ chế, chính sách. Hiện nay, cả hệ thống chính trị ở tỉnh Quảng Nam triển khai quyết liệt thực hiện chương trình chuyển đổi số của quốc gia và chuyển đổi số của tỉnh Quảng Nam”.
Chuyển đổi số, công nghệ số đang từng bước hiện diện trong mọi mặt đời sống ở Quảng Nam. Ảnh: Đình Tăng/dangcongsan.vn |
Nhờ nỗ lực chuyển đổi số, đến nay, tại tỉnh Quảng Nam, cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh được kết nối, giúp công tác thống kê, báo cáo, quản lý thông tin từng ngành, từng lĩnh vực được dễ dàng, thống nhất. Đồng thời, người dân giải quyết các thủ tục hành chính, dịch vụ công nhanh chóng, thuận lợi, tiết kiệm cả thời gian lẫn chi phí.
Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, 70% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 50% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm hơn 15% GRDP.