(VOV5) - Tỉnh Quảng Nam đã và đang xây dựng, phát triển các vùng kinh tế, trong đó khu vực các huyện, thị xã, thành phố nằm ở phía Đông của tỉnh được xác định là động lực phát triển kinh tế của địa phương.
Quảng Nam có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với nhiều tiềm năng và lợi thế về nguồn lực tài nguyên và nguồn nhân lực để phát triển kinh tế, đặc biệt là dịch vụ du lịch.
Công ty CP Ô tô Trường Hải – Một điểm sáng về thu hút đầu tư ở KKTM Chu Lai nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Phía Đông của tỉnh Quảng Nam thuộc địa bàn của 8 huyện, thành phố ven biển, nằm bên đường cao tốc Đà Nẵng – Dung Quất, với diện tích quy hoạch là hơn 100.000 ha, trong đó có hơn 125 km bờ biển. Khu vực này có vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Nam. Hiện khu vực này đã có hơn 110 dự án đầu tư, với số tổng đăng ký khoảng 2 tỷ USD, trong đó, hơn 70 dự án đi vào hoạt động. Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Trong định hướng phát triển kinh tế của địa phương, tỉnh Quảng Nam xác định tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ. Từ định hướng này tỉnh xây dựng phát triển kinh tế vùng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đồng bằng, trung du và miền núi. Trên cơ sở lợi thế của từng vùng để định hướng và phát triển, trong đó vùng Đông là vùng chủ lực phát triển dịch vụ. Trên cơ sở đó tạo ra một môi trường đầu tư cho các khu công nghiệp và Khu kinh tế mở Chu Lai, từ đó các vùng lân cận sẽ tạo điều kiện cho vùng Đông phát triển".
Kế hoạch đầu tư xây dựng của tỉnh Quảng Nam tại địa bàn của 8 huyện này bao gồm 6 nhóm dự án: Dự án khu đô thị, dịch vụ Nam Hội An như: Công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; Công nghiệp dệt may và hỗ trợ ngành dệt may gắn phát triển đô thị Tam Kỳ; Dự án chương trình phát triển công nghiệp sạch và dịch vụ gắn sân bay Chu Lai; Dự án khí- điện và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng, sản phẩm sau khí; Nhóm chương trình, dự án hệ thống cảng cá và khu neo đậu, tránh bão. Trong đó, Khu Kinh tế mở Chu Lai mang tầm vóc của sự gắn kết, thúc đẩy cả một vùng kinh tế duyên hải miền Trung, tạo nên những cú hích mạnh mẽ cho kinh tế cho cả khu vực phát triển. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, doanh nghiệp thành công nhất khi đầu tư tại tỉnh Quảng Nam, chia sẻ: "Chúng tôi có chiến lược hội nhập ASEAN vào năm 2018. Từ 2014 chúng tôi đã gia tăng doanh số và sản lượng để đạt yêu cầu vào năm 2018, từ đó phát triển sản xuất linh kiện và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa ít nhất 40% để tận dụng xuất khẩu xe sang thị trường ASEAN với thuế xuất 0%, cũng như cạnh tranh được với các hãng xe của ASEAN vào thị trường Việt Nam. Sau khi quyết định đầu tư vào Chu Lai, Công ty Trường Hải đã phát triển và đạt được những thành công. Khi chúng tôi tổng kết các lý do giúp Trường Hải thành công chính là sự đồng hành của chính quyền tỉnh Quảng Nam đối với doanh nghiệp".
Cảng Chu Lai - Trường Hải, thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai, là một trong những lợi thế cạnh tranh của Quảng Nam. Ảnh: baodautu.vn |
Đầu năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam điều chỉnh quy hoạch để tạo ra 1.500 héc ta đất sạch xúc tiến đầu tư các dự án trong tổng thể không gian phát triển lên tới 42.000 héc ta bao gồm cả khu Kinh tế mở Chu Lai và Dự án tổng thể sắp xếp dân cư dọc 25 xã, phường, thị trấn ven biển. Ông Trần Xuân Diện, Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai, cho biết: Khu vực phía Đông của tỉnh đã và đang hình thành các dự án trọng điểm, có vai trò định hướng phát triển tổng thể vùng. Ông Diện cho biết: "Tiếp tục phát triển công nghiệp, lựa chọn hướng đi phù hợp, sản phẩm phù hợp và nhà đầu tư đúng. Từ đó quy hoạch, chọn vị trí quy quy hoạch địa điểm phù hợp để tạo ra các logistic từ công nghiệp đến vận chuyển có ưu thế cạnh tranh và phân ra các vùng công nghiệp, du lịch cụ thể. Kể từ khi tỉnh Quảng Nam đưa vào sử dụng cầu Cửa Đại và tuyến đường ven biển nối Thành phố Hội An tới Thành phố Tam Kỳ đã tạo nên sự thay đổi to lớn. Trong năm 2017 sẽ làm nốt đường nối Tam Kỳ với sân bay Chu Lai và sẽ giải tọa tạo ra diện tích đất sạch trên 2.000 héc ta".
Địa bàn các huyện thị ven biển của tỉnh Quảng Nam có tiềm năng phát triển rất lớn bởi rất gần với Cảng Biển, sân bay và các khu công nghiệp của Thành phố Đà Nẵng và gần Khu kinh tế Dung Quất của tỉnh Quảng Ngãi. Tỉnh Quảng Nam hiện có những chính sách, chỉ đạo tích cực và tạo điều kiện thuận lợi cho các khu công nghiệp, các doanh nghiệp của tỉnh trong hợp tác trong vùng. Trong tương lai không xa, khu vực này sẽ trở thành vùng kinh tế trong điểm của khu vực miền Trung, kết nối hành lang kinh tế ven biển, các đô thị trung tâm, trở thành trung tâm lịch vụ và du lịch đa ngành của Việt Nam và quốc tế.