(VOV5) - Doanh nhân trẻ Nguyễn Xuân Vinh cùng cộng sự đã sáng tạo ứng dụng Foodhub, giúp kết nối các cửa hàng thực phẩm sạch với người tiêu dùng.
Áp dụng công nghệ, thành tựu cách mạng 4.0 vào phát triển kinh tế đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển bền vững của từng quốc gia. Tại Việt Nam, nhiều startup đã lựa chọn hướng đi này để phát triển.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp cùng nhiều vấn đề môi trường nảy sinh gây hại cho sức khỏe, nhiều người dân sẵn sàng chi trả cao hơn cho nguồn lương thực, thực phẩm sử dụng hằng ngày. Hiểu rõ nhu cầu thực tế này, nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang tham gia vào các hoạt động đầu tư, sản xuất, nuôi trồng chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Bà Nguyễn Phương Thảo, Phó Giám đốc Công ty CP Nguyên Khôi Xanh, cho biết : Chúng tôi đã nghiên cứu và xây dựng trang trại tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không gây ô nhiễm môi trường. Các chất thải sẽ lần lượt xử lý qua các công nghệ thân thiện với môi trường, chi phí đầu tư thấp, không sử dụng điện năng hay năng lượng hóa thạch mà xử lý thành phân bón hữu cơ cho cây trồng hoặc thành đầu vào cho chăn nuôi, trồng trọt.
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, không gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: VOV |
Bắt nguồn từ băn khoăn của hàng triệu người nội trợ “làm sao để có thể mua được thực phẩm sạch, thực phẩm tươi sống, đảm bảo an toàn?”, doanh nhân trẻ Nguyễn Xuân Vinh cùng cộng sự đã sáng tạo ứng dụng Foodhub, giúp kết nối các cửa hàng thực phẩm sạch với người tiêu dùng. Từ khâu lựa chọn cho tới lúc nhận sản phẩm và thanh toán tiền, người tiêu dùng chỉ cần vài cú click chuột là hoàn tất đơn hàng. Đây là ví dụ điển hình của giao thương hạn chế tiếp xúc, hạn chế rất nhiều công đoạn tác động môi trường trước kia thường mắc phải: Chúng tôi cố gắng tạo ra giải pháp để những thói quen mua sắm hàng ngày trở nên dễ dàng hơn ở trên môi trường mới – đó là khái niệm đi chợ online. Rất nhiều người đã bất ngờ vì họ được trải nghiệm như mình đi chợ.
Ông Hà Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Vinalink. Ảnh: cafebiz.vn |
Ông Hà Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Vinalink, một chuyên gia hoạt động trong nhiều lĩnh vực khẳng định, ở giai đoạn khó khăn hiện tại vì đại dịch Covid-19, các mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ tương tự hỗ trợ cộng đồng phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Về lâu dài, những mô hình xanh hóa chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh sẽ góp phần xanh hóa nền kinh tế Việt Nam: Hiện nay lực lượng bán hàng online nhiều nơi họ làm rất chuyên nghiệp. Riêng bao bì sản phẩm rất sạch và thông minh, ngoài là giấy nhưng trong lại lớp 1 lớp lót giấy chống thấm nước… Sự sáng tạo rất lớn nên đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng. Những người muốn làm nghề lâu dài hãy làm nghiêm túc, sẽ có được lượng khách hàng để tiếp tục phát triển.
Sức sáng tạo của nhiều startup đang nhân lên hy vọng về tăng trưởng xanh, về nền kinh tế Việt Nam xanh. Tuy nhiên, để thực tế này sớm được nhân rộng, đặc biệt sau giai đoạn khó khăn do đại dịch, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Hội đồng doanh nhân vì sự Phát triển bền vững, cho rằng trách nhiệm của doanh nghiệp là phải đổi mới mô hình kinh doanh, dựa trên công nghệ số: Chuyển đổi số là khoản đầu tư quan trọng hàng đầu để nâng cao lợi thế cạnh tranh. Những người sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà, hình thức là những người tiên phong thành công.
Ngoài cơ sở hạ tầng đồng bộ, nguồn nhân lực có kỹ năng để tạo được hệ sinh thái xanh trong chuỗi giá trị nội bộ, doanh nhân phải kiên định thực hiện mục tiêu này, loại bỏ các yếu tố cản trở tiến trình xanh hóa sản phẩm trước khi đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Nếu tất cả các startup đang và sẽ quan tâm lưu ý vấn đề này, phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam sẽ thành công sớm hơn mong đợi.